Xong hạn cải tạo lao động, tôi về lại Ban nông
nghiệp báo.
Dưới gốc đa, Phan Quang, mới lên trưởng ban
sau cuộc đánh phá xét lại và chuyến đi Bắc Kinh xức dầu thánh; Hữu Thọ hay
“lính dù Kong Le” (chỗ nào đảng uỷ cần đánh dẹp thì phái anh ta đến) một nhát nhảy
mấy bậc lên ghế phó trưởng ban dưới Phan Quang, phổ biến ba quyết định của Ban
biên tập và đảng uỷ về tôi:
1) Không được ký tên Trần Đĩnh
2) Chỉ viết nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà… Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp uỷ cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.
3) Không được gần thanh niên, “bởi lẽ sẽ đầu độc họ”.
Đã có những ban phổ biến điều 3 này rất ngặt. Trưởng ban văn hoá Đức Thi họp ban đe hẳn hoi. Nguyễn Hồng Nam, anh hoạ sĩ trẻ đã bảo lại tôi.
Mấy chục năm sau, trong một lần gặp mặt anh chị em về hưu của báo, Hồng Nam lại kể lại chuyện này. “Nghe kỷ luật như thế thì rất sợ nhưng thế nào tất cả bọn trẻ lại cứ thích gần anh Trần Đĩnh, hay thật!”
Trong đầu không ít người, tôi đã thành một bóng ma đáng sợ, kiểu bóng ma từng ám ảnh thế giới của Marx. Đảng đâu hiểu đảng cứ giáng kỷ luật vào tôi, tôi lại yên lòng. Tôi thành tâm mong chia sẻ phần nào đau khổ của các anh chị trong tù. Muốn giữ tiết nghĩa với anh chị em chứ không nhằm lấy lại tin cậy của đảng.
Tôi về báo được ba ngày thì Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng bảo vệ Ban tổ chức trung ương điện thoại mời chiều lên gặp. Gác hai trường Tây con Albert Sarraut cũ.
Trung Thành thân mật nói:
- Anh Thọ nói mời anh lên để nhắn anh rằng anh
là điển hình của trí thức(!), Đảng cần giúp cho anh tiến bộ. Có anh - thôi, nói
tên ra, anh Vũ Khiêu có quen anh đấy, nói viết hàng nghìn trang lý luận mà anh
Thọ có bảo là điển hình trí thức đâu. Hôm nay gặp để hỏi xem anh có khó khăn gì
thì xin anh nói ra, đảng sẽ cùng với anh giải quyết.
Tín hiệu quá rõ: “vẫn là lợi khí của Đảng
nhưng phải lòng dạ trong, tư tưởng sáng”. Lòng dạ trong là gì hãy tự hiểu lấy.
Và Vũ Khiêu, người khai viết hàng nghìn trang
lý luận cũng đã khoe với tôi thành tích ông báo với đảng như thế. Tôi khai cung
về, ông đã hỏi sao đi lâu thế, có nói gì về ông ta không. Tôi phải cao giọng
lên “Không ai đụng gì đến ông một câu nào”, ông mới thôi liếm mép, một dấu hiệu
lo lắng.
Trả lời Trung Thành, tôi nói:
- Xin cảm ơn anh Thọ và anh anh Thành ạ. Tôi
thật tình không có khó khăn gì. Duy Chính Yên chỉ là nghe tôi thôi mà gánh nặng
gia đình lại nặng, lương ít thì Đảng nên chú ý giúp anh ấy… Nhưng tôi có thắc
mắc thôi, anh có cần biết không?
Trung Thành cười nhã nhặn. Hiền lành nữa.
- Anh có muốn tôi nói dối không anh Thành? -
tôi hỏi - Thí dụ nói rằng nhờ đi cải tạo tôi đã sáng ra, nhận thấy mình sai…
Nhưng anh Thành ạ, anh bảo tôi nói dối tôi cũng không nói đâu. Vậy bây giờ tôi
nói thắc mắc của tôi ra để anh nghe. Cũng là những điều anh đã biết vì ở trong
biên bản cả rồi. Chỉ là nhắc lại ở một mức độ cao hơn thôi. Thứ nhất, Đảng tiếp
tục tha hoá, biến chất, đảng viên càng ngậm miệng ăn tiền. Thứ hai Trung ương
vẫn chưa hiểu kinh tế, sản xuất tiếp tục trì trệ, chủ yếu nhờ vào chi viện bên
ngoài. Thứ ba, về sinh hoạt vật chất, Bộ chính trị xa cách với nhân dân quá xá.
Im một lát, Trung Thành khẽ nói:
- Điều anh nói đầu tiên, Đảng đang sửa. Sẽ
thanh toán những phần tử cơ hội chủ nghĩa thoái hoá. Về kinh tế, Đảng đang đề
ra nhiều chính sách mới đấy. Còn cái thứ ba thì lôi thôi lắm, anh Đĩnh ạ. Bên
bảo vệ đặt ra quá nhiều quy định này nọ, anh Nguyễn Chí Thanh bực lắm, họ đặt
ra nhiều cái cứ như bó chân bó tay các anh Bộ chính trị lại.
Suýt buột ra “Tôi không thích gà rán mà vợ cứ
rán thì tôi…”, nhưng tôi lại nói:
- Tôi chỉ là chân thành góp ý với Đảng, tôi
nói lại là không có khó khăn gì. Cảm ơn anh Thọ và anh.
Trung Thành tiễn tôi đi hết hành lang dài trên
gác, qua những lớp học Tây con ngày xưa nay thành trụ sở ban bệ của Trung ương
đảng. Tự nhiên tôi nghĩ thì cũng như Bác (Hồ) có qua việc vào đảng cộng sản
Pháp rồi mới làm Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Đến đầu cầu thang, bắt tay tôi, Nguyễn Trung
Thành nói:
- Anh Trần Đĩnh, gặp anh tôi học được nhiều…
Tôi đã nghĩ lâu đến câu này. Giả dối ư? Chẳng
lẽ lại khiêm tốn đến thế? Duy cầm chắc một điều là không thể vờ ra nét mặt chất
phác hiền hậu này lúc ấy. Phải hơn hai chục năm sau, anh có đơn đề nghị Trung
ương minh oan cho chúng tôi, tôi mới hiểu đằng sau câu anh nói hôm tiễn tôi ấy
là một gốc nhân bản chưa bị giết chết ở anh.
Thú thật lúc ấy tôi không ngờ cuộc gặp này là
ý Lê Đức Thọ cho đò đón tôi qua sông sang bờ quan quyền. Không ngờ vì không bao
giờ tôi xếp tôi vào thứ được nhân sự của đảng nhòm đến. Rồi cũng vì cái tạng
không tính được thua cho đời. Nếu có thì tính đến chuyện được thua ở nhân phẩm…
Sau này nhiều bạn bảo tôi ông Sáu ưu ái ông quá. Đã không bắt ông lại còn luôn
luôn cho người đón ông, ông mà “chuyển biến” thì đường mây rong ruổi phải biết.
Nhưng làm sao được? Tôi đã lỡ thấy cái thứ vô
giá, không thể mặc cả.
Đảng thường xuyên dạy đảng viên có ý thức
đảng, có ý thức kỷ luật tức là làm tất cả những gì đảng bảo. Hay buông mình
hoàn toàn cho đảng. Rồi dần mất cả ranh giới với nịnh người lãnh đạo. Nịnh nọt,
bợ đỡ mà vẫn tưởng mình hăng hái, trung thành, tu dưỡng đạo đức.
Sau đó chừng nửa tháng, Chính Yên mặt đau khổ
bảo tôi:
- Mình vừa lên anh Thọ, anh ấy rất cáu, bảo về
nói với thằng Trần Đĩnh là nó láo lắm, không ai chịu được nó nữa đâu.
Rồi Nguyễn Hữu Chỉnh cũng sửng sốt bảo tôi:
- Ủa, Trần Đĩnh, làm gì để ông già cáu thế
chứ?
- Này, - tôi hỏi Chỉnh sang chuyện khác. - Đi
Paris cùng với ông Lê, ông ấy có nhắc tới chuyện xin giấy vào sứ quán Liên Xô
ăn bơ sữa và an ninh đang xem xét chuyện ấy nữa không?
- Ô, bây giờ thân lắm, - Chỉnh hỉ hả nói.
Dưới ô Lê Đức Thọ, ngựa một tàu đã xuất ngoại
đều tuấn mã. Bi kịch của tôi là đã không biết may cho mệnh số mình bằng cái
thước đo của ông Sáu Thọ!
Nghe Chỉnh tôi nhớ lại hình ảnh anh bứt tóc
giậm chân kêu thất thanh: “Ai định hại tôi đây?”
Ở Paris về, Nguyễn Thành Lê đi một Peugeot mầu
đỏ ớt, thứ hàng cả Hà Nội thèm. Một sáng đến cơ quan, tôi thấy mấy người xúm
quanh Lê bàn tán râm ran. Khom lưng xuống thật thấp, Hữu Thọ trầm trồ:
- Anh phải mách cho bọn tôi biết nơi sơn với
chứ, chết, chết… sơn lại mà nom y như mới nguyên thế này cơ chứ.
Phải thấy cái miệng nhành ra “chết, chết” thán
phục. Ý là vào tay anh cái rác cũng hoá quý vật!
Tôi đến bên cả cái đám đang rực lửa thán phục
xe sơn lại mà như mới:
- Anh Lê, anh đánh cược không? Xe vẫn đi anh
để cho ai, chắc thế, còn cái này cũng Paris về nhưng mới đập hòm. Anh cho xem
biển số xe ở giấy chứng nhận xe thì biết, nếu xe mới thật, anh mất cái này cho
tôi còn xe sơn lại thì tôi mất cho anh cái giống như cái đấy.
Tôi chỉ cần tố xì như thế! Dàn hợp hót liền
tan. Tôi đã góp phần giữ vệ sinh công cộng.
Viết nông nghiệp tôi ký Trần Đồng Áng. Lê Điền
duyệt bài nói: “Ký thế này người ta lại kêu là ông trêu ghẹo, thôi thì ký Trần
Đồng nhé”.
Tôi nói:
- Thì Trần Đồng bí thư khu Vĩnh Linh lại kêu
tôi cướp lănh đạo của ông ấy. Thôi, ký Trần Áng vậy. Có biết áng là gì không?
Về Thuỷ Nguyên trẻ con nó vẫn bảo “bu đang ở áng…”. Rồi tôi ký thêm Bản Quyên,
cái tên sau hay dùng cho việc dịch.
Sau những ngày tháng lận đận, vì cái gì không
rõ, có thể vì cách nhìn mới mà một hành tinh xa nào đó gửi đến tôi qua khối chữ
mới đúc óng ánh bảy sắc cầu vồng, tôi chợt thấy tôi giàu con mắt. Khải thị từ
giây phút nào? Nhưng có thể coi lần dưới đây là lần phát hiện đầu tiên.
Năm 1973 lên hợp tác xã Ngọc Nham, huyện Yên
Thế viết cây lạc trồng thí nghiệm theo chỉ dẫn của chuyên gia Trung Quốc, tôi
đạp xe ngược sông máng vào đất Cụ Đề, vùng đồn điền Chesnay và Tartarin chiếm
sau khi dẹp Đề Thám. Hoang vu. Những đồi sim mua tít tắp xù lên lớp lông tiền
sử. Con sông đào phồng ưỡn lên như chăng ra một câu đố thuỷ tinh khiến tôi phải
đi xuống bờ nước. Cúi đầu toan vốc nước rửa mặt liền dừng sững. Rồi quỳ xuống
bàng hoàng: giữa hai bờ vách đá trắng uy nghi, trên nền vần vụ mây bông nguyên
thuỷ, Chúa đang nghiêm trang, thương cảm nhìn tôi. Đôi mắt đau đáu, vòi vọi,
mặt Chúa vừa lạ vừa thân quen, vừa muốn tôi khóc vì lỗi lầm lại vừa muốn tôi ôm
lấy Người nhận về lời khen. Và cũng thình lình Chúa tan biến: hai vách đá trắng
là hai mái đầu bạc của tôi. Chúa vừa mới mượn bộ mặt bốn chục tuổi của tôi để
cho tôi chiêm ngưỡng Người.
Một sợi tóc bạc rụng. Tôi cầm lên soi. Cuộc
đời in vivo - trong cơ thể tối tăm nhếch nhác của tôi rút vào thành cuộc đời in
vitro - trong cái ống nghiệm thấu suốt nhỏ mọn này ư? Năng lượng nào
đúc nên khối tinh khiết đầy ứ này? Tự hỏi rồi thầm mừng cho cái nguồn trắng
tượng trưng cho sự giàu có vô dụng của chính mình.
Một chuyện cũng lại dính đến Thượng đế! Lần
đầu cải tạo lao động xong, đi viết nông nghiệp, tôi về xã Hải Anh, Hải Hậu, nơi
có Cầu Mái và Chùa trăm cửa. Chủ tịch xã là người từng ở trong trung đội lính
bảo vệ Văn phòng Quốc hội và đóng trong dẫy nhà phụ ở bên phải lối từ cổng Uỷ
ban khoa học xã hội đi vào, trông chéo vào nhà Hoàng Minh Chính cạnh nhà sư
Thiện Chiếu, có thể đã để ý tôi hay ra vào nhà Chính. Một chiều muộn, ở Hải
Anh, tôi tới thăm Nhà thờ xứ Đông Biên gồm có cả một toà Nhà Dòng nguy nga. Tôi
bỗng rất buồn: thấy rõ triển vọng thâm u, tiêu điều của khu vực tôn nghiêm bắt
đầu hoang vắng này. Một tảng băng Bắc cực sẽ tan vào hư không. Có một hàng rào
sắt ôm bọc lấy một bức tượng Đức Mẹ. Tôi đến cạnh đứng lặng lẽ, thấy rõ sương
vần vụ dâng đầy quanh mình, quyến luyến, che chở. Chợt thấy thiên nhiên đang tự
thể hiện về dạng uyên nguyên để cho tôi chiêm nghiệm bản thể của thiên nhiên và
sự sống. Bồng bềnh thế đó, không hình không bóng thế đó! Mà cai quản, sai khiến
tất cả dó. Mà dạ con của vạn vật đó…
Vừa hay một cánh hồng bạch trồng quanh bệ
tượng Đức Mẹ bong ra, khẽ thở dài lìa đài hoa, buông mình: một con thuyền lênh
đênh giữa vô lợi vô hại. Thì đồng thời một hạt sương đậu xuống má tôi. Thiên
nhiên vừa chấm lên tôi một giọt nước dung nạp. Từ ngày có hơi nước ban sơ cho
quả đất này, qua hàng tỉ tỉ tỉ xoay vần biến hoá cạn - khô, khô - cạn, vấy bẩn
- lọc sạch, lọc sạch - vấy bẩn, giọt nước đầu tay ấy của Thượng đế bữa nay chọn
mặt tôi làm bãi đáp.
Tôi cũng qua nó lần đầu tiên cảm thụ đầy mình
chiều dài biền biệt của sát na, chiều sâu không đáy của đơn chiếc.
Chả biết có phải vì thế không mà ở trong tù
đọc bài ký về xã Hải Anh, Châu nhận ra đó là tôi viết - khi ra tù anh bảo tôi.
… Lần ấy, đến Ngọc Nham ở nhà Nhuận, chủ nhiệm
hợp tác xã mà tôi thấy vẫn quanh quất đâu đó bóng Đề Thám. Mẹ Nhuận chỉ cái sân
trước nhà bảo tôi: ngày trước cụ Đề thường về đây, bố tôi, ông thằng này (chỉ
Nhuận) vẫn rải chiếu cho Cụ ngồi ở ngay chính chỗ này, đây cái sân đây. Bốn
người lính theo hầu Cụ Đề ôm bốn cây súng rõ thật là dài ngồi xoay lưng cả vào
Cụ Đề rồi ngoảnh hết các ngọn súng ra tứ phương thế này che rõ là thật kín cho
Cụ. Cụ thường bảo trẻ con chúng tôi xoè tay ra rồi cho một kẽm mua bánh đúc.
Đấy, ở đầu làng nhìn sang bên kia sông, trên quả núi vẫn còn cái đồn Tây xây
đánh Cụ nay đổ nát đấy.
Tiền khởi nghĩa, vợ chồng bà lão là cơ sở của
du kích, như bố mẹ bà lão là cơ sở của Cụ Đề. Cải cách ruộng đất, Nhuận thành
“Quốc Dân Đảng đội lốt bí thư chi bộ Cộng sản” bị đội trói gô lại bắt quỳ. Anh
không chịu. Du kích cứ báng súng ghè vào đầu gối anh. Gia đình này cơ sở cách
mạng, ba đời, từ Cụ Đề, không có biết quỳ, - anh bò lồm ngồm dậy nói.
Trước khi dời đi, tôi ôm lấy bà cụ ở dưới gốc
cây hoè xưa lính Cụ Đề vẫn quàng nón áo và bao gạo vào đó, nói:
- Cụ cho cháu lấy tí hơi Cụ Đề…
Rồi tôi mở bàn tay cụ ra, xoa xoa các ngón tay
tôi vào đó. Tôi thật sự bồi hồi đoán xưa cụ Đề cho tiền thế nào chả đã chạm tay
vào đây.
Một chiều ở đấy, tôi đạp xe thăm Nguyên Hồng.
Anh lại đang ở Hải Phòng, - anh là chủ tịch Hội nhà văn dưới đó. Chị Nguyên
Hồng giữ tôi lại. Giết gà. Tôi rất ân hận. Anh chị quá nghèo, tôi đã vạc một
miếng vào tài sản anh chị. Đêm mưa to. Khó ngủ. Nhớ lại đêm nào mấy đứa Hà Xuân
Trường, Như Phong, Địch Dũng và tôi ngủ ở cái phản này. Địch Dũng và tôi có mỗi
cái chăn mỏng. Chăn dầy dành cho hai gã “lão thiềng”.
Đời là tình cờ. Một hôm tôi và Vũ Hạnh Hiên
ngồi ở quán cà phê cô Minh, Lý Thường Kiệt - Quang Trung thì một bà đi vào.
Cao, trắng ngời, sang trọng, ví đầm. Bà cầm tách cà phê loay hoay tìm chỗ -
quán quá đông. Tôi vội mời bà ngồi cùng bàn. Merci - cảm ơn, -
bà thân mật đáp. Một Việt kiều, tôi thầm nghĩ. Bà mở ví lấy ra bao Tam Đảo, thứ
thuốc lá gần mạt hạng lúc đó. Tôi vội mời bà Điện Biên, cao hơn một hào vừa mua
theo tiêu chuẩn công đoàn một tháng hai bao tám hào.
Bà cầm lấy một điếu:
- Merci encore, j’en prends une,
volontiers - Cảm ơn nữa, tôi sẵn sàng hút một điếu.
Rồi tiếp luôn, vẫn bằng tiếng của tổng thống
Pompidou:
- Anh là nhà văn và bạn của Nguyễn Tuân, đúng
chứ, mais c’ est vrai, oui, tôi thấy? Lâu lắm tôi không gặp ông ta.
- Tôi là Trần Đĩnh, tôi mới gặp ông ta vài
ngày trước.
- Tôi là Hoàng Thị Thế.
- A, (tôi buột reo lên). Ah, la fille
de notre héro national, grand salut!! A, con gái của anh hùng dân tộc,
chào kính!. Còn tôi, tôi là cháu cụ Đề Tít. Cụ bà đẻ ra ông nội tôi là em ruột
cụ Đề Tít.
Đến lượt bà reo:
- Tôi biết cụ Đề Tít, bạn của bố tôi. Khi cụ
chết ở chỗ lưu đày, tôi biết. Thi hài được đưa về quê. Hải Dương nhỉ?
Chuyện thân mật hơn lên nhờ hai Cụ Đề quá cố.
Bà chợt hỏi tôi sinh năm nào. Tôi vừa đáp, bà nói luôn.
- Năm 1967, anh gặp chuyện lôi thôi lớn đấy.
- Je frôlais la príson. Tôi sượt
qua nhà tù.
- Mais on ne vous laisse pas encore
tranquille, tenez - vous le pour dit, - Nhưng người ta chưa để anh yên
đâu, hãy nhớ lấy, tuy dễ chịu hơn, hoà bình rồi mà. Tới 1979, cái việc khiến
anh khốn nạn sẽ rõ ra… nhưng sẽ không có gì thay đổi cho anh. Khoan, đúng!
1979, Việt Nam lại có chiến tranh. Nhưng anh nhớ lấy, anh đâu vẫn đấy… (Sau này
Trung Quốc nện ta, Mao sai lòi ra; còn tôi chống Mao trước Đảng thì vẫn sao y
bản cũ).… Anh có một con gái, một thôi. Nó giống anh từ mũi xuống. Anh đang
sống ở một túp nhà tranh, có một mảnh vườn, vous habitez dans une
paillote avec un tout petit jardin.
Tôi nói:
- Vraiment sorcier, quoi. Kìa, như
thần!
- Tôi nhìn thấy một bóng trắng đằng sau anh,
một bóng phù hộ, che chở anh, une ombre blanche, une ombre
providentielle…
- Mais c’ est maman! Là mẹ tôi đấy! -
Sởn da gà lên tôi vội nói - Quên, còn cô em gái chết mười bảy tuổi, bà cô.
Nhưng sao bà biết? Comment vous savez ca?
- Je lis ca dans les astres, tôi
đọc ở các vì sao.
Bà cho biết mỗi tháng bà được phụ cấp một trăm
đồng. Bà có một con gái, như tôi. Đúng, bà đã đóng phim. Con gái ở Pháp vẫn có
thư cho bà nhưng người ta chặn mất cả. Người ta không muốn chúng ta liên hệ với
nước ngoài, dù mẹ con. Mẹ con cũng không nên tin nhau mù quáng. Il faut
voir le monde avec des yeux… quoi, phải nhìn thế giới với các con mắt,
sao nhỉ…?
- Des yeux marxistes… Mais prendre
garde: marxistes et non marsiens. Nhìn với con mắt mác-xít, nhưng cần
chú ý: mắt mác-xít chứ không phải mắt người Sao Hoả.
Bà Thế chĩa ngón tay “phê phán” ngoay ngoáy
vào tôi.
Chuyện lan man rất vui, chợt tôi nghĩ liệu Đề
Thám và Bà Ba có lấy tử vi cho người con gái yêu khi sinh ra cô không? Tôi hỏi:
- Xin lỗi, nếu bà cho phép? Tại sao bố mẹ bà
đặt tên bà là Thế?
Bà mở to mắt, rất ngạc nhiên
- Vâng, thế là thay! Phải chăng các cụ có ý để
cho con gái lớn lên sẽ thay mẹ làm tướng không? Mais avaient - ils eu,
vos parents, l’intention de vous faire la remplacante de notre célèbre
commandante Bà Ba?
Bà úp hai tay lên ngực, rất cảm động:
- Lần đầu tiên có người hỏi tôi thế. Mà đúng,
nên nghĩ là các cụ đã có ý ấy, dù tôi chỉ là một người thua cuộc. Anh là một
người làm vườn lớn, vườn ký ức của tôi đẹp lên nhiều nhờ anh, mon
jardin de souvenirs a été embelli beaucoup grace à vous.
Bà mở ví. Tôi nói laissez - moi, để
tôi.
Bà ra cửa, ngoắt quay rất nhanh lại, cười thật
thân, thật tươi nói:
- Dès la première vue, je te trouve
déjà très sympa, très, très, tout de suite, tu sais, mais tiens, viens me voir,
tu as pris mon adresse, au revoir - Ngay phút đầu tiên tớ đã thấy mến
đằng ấy, ngay lập tức, rất rất, cậu biết đấy, nhưng này, đến thăm tớ đấy, cậu
đã ghi địa chỉ, Trương Định, chào tạm biệt.
Sau đó, nhiều lần tôi đến bà. Không Trương
Định mà Khu Văn Chương. Tiều tuỵ đi nhanh hơn, mấy tháng thêm một nấc thiểu não
trông thấy. Hết mặt hoa da phấn, hết sang trọng. Và vẫn không có những bức thư
con gái gửi cho vì bị “interceptées” - chặn lại. Nghe chữ intercepter,
tôi nghĩ ngay tới máy bay tiêm kích P51 Mustang của Mỹ hồi Thế chiến 2 mà tôi
còn bé đã rất kính nể. Ngày một chiếc bánh mì hai lạng hai lai cô hàng xóm xếp
hàng hay chen hàng mua hộ. Tôi thường thấy những mẩu bánh mốc trên bàn, những
hòn đá vặn vẹo ở lòng suối cạn hay những gót guốc mộc gẫy bẩn. Bà hay nói đến
chiến tranh thế giới thứ ba:
- Sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, giống
người tồi tàn này khó tránh được sự huỷ diệt…. - Thì thào như một mong mỏi, một
nguyện cầu…
Hôm ấy tôi đến xẩm chiều, trời âm u mà mất
điện. Bà đầu tóc bù xù rối, muối tiêu, tóc xác xơ với màu xám xỉn có lúc làm
tôi ngỡ bà đội một mớ ngải cứu khô cong rã rượi, hai bàn chân buông thõng,
không giầy không tất, sàn láng xi măng anh ánh lạnh. Đường thế đồ gót
rỗ kỳ khu, ôi Nguyễn Gia Thiều. Gót chân kia đã chạy ở vạt rừng Yên Thế
chưa?
Bắt tay bà, cổ tôi nghèn nghẹn. Bà nói có một
lãnh tụ nào nói điện khí hoá phải đi trước một bước, nhưng nó với ông ta đi
trước xa quá… bỏ chúng ta lại với bóng tối khắp nơi,de l’ ombre partout…
- Lê-nin… Lê-nin nói thế, - tôi nói.
- Lê-nin, qui ca, ce mec, - thằng
cha ấy là ai? - Bà nhún vai.
Mới hôm nào tôi kể chuyện tôi đến một nơi gọi
là Ngọc Nham, nơi ấy Cụ Đề ngày xưa hay về. Ngồi xếp bằng ở chiếu rải giữa sân,
bốn xung quanh là bốn người lính súng dài lắm chĩa ra bốn phía… Bà cụ chủ nhà
lúc ấy bé hay được Cụ Đề cho một kẽm… Khi rời Ngọc Nham, đứng dưới gốc cây hoè
Cụ Đề từng cúi xuống để vào sân nhà, tôi ôm lấy bà cụ chủ nhà nói: “Cụ cho cháu
xin tí mùi Cụ Đề ạ…”
Hoàng Thị Thế chợt thẳng người lên:
- Anh giữ gìn rất tốt mẩu vườn ký ức của tôi.
- Rồi lập cập giơ hai tay gầy ra níu lấy tôi. - Qua anh tôi cũng lại như ngửi
thấy mùi bố tôi… Tôi thoáng nghĩ bà nói như thế vì có lẽ bà chả có mấy ký ức về
bố.
Tối nay, trước khi về, tôi nói:
- Nếu là chính phủ, tôi sẽ mời bà đến ở một
biệt thự nhỏ gần đám điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Chỗ ấy đa nghĩa với
bà.
Bụng nghĩ nói tiếng Pháp thì mày tao chi tớ,
về với tiếng Việt lại phải bà!
Hoàng Thị Thế nhìn tôi, chờ đợi. Tôi thấp
giọng:
- Ở khúc đường vành đai cổ xưa nhất và thân
thiện này của Hà Nội, bà được sống chung với bố, với nghề xưa.
Tôi ân hận. Mắt con gái Đề Thám chợt như lạc
chìm vào đâu. Rồi tôi lại yên lòng. Ít ra có nơi để chìm vào.
Tôi chào rồi ra cửa. Xuống thang thì nghe
tiếng Hoàng Thị Thế gọi theo:
- Attention aux marches de l’
escalier, Đĩnh! Ce mec qui faisait grand tapage sur l’ électrification nous
laissait tous submerger dans l’ ombre. Cẩn thận bậc thang, Đĩnh. Cái cha
làm ỏm tỏi lên về điện khí hoá kia bỏ chúng ta chìm hoàn toàn trong bóng tối.
Toan gọi đùa lại:
- Parce que son plan d’
electrification électrocute toute lumière, - vì điện khí hoá của ông ta
giật chết hết mọi ánh sáng.
Mở khoá xe ở cạnh cầu thang tối om dưới nhà,
tôi vẩn vơ nghĩ nếu Cụ Đề và Bà Ba sống những thập niên chống phát xít, trên
căn cứ địa Yên Thế có John, có Thomas sĩ quan tình báo Mỹ OSS huấn luyện rồi
cùng tiến quân đánh Nhật ở Bố Hạ? Thì tháng 9 năm 1945, Hoàng Thị Thế đã là đại
sứ đầu tiên của Việt Nam trình quốc thư tại Hoa Kỳ? Nay chẳng ai đỡ đần cho bà
ngồi êm ả khóc những ngày xa, sống trong đùm bọc thương yêu của Hùm Thiêng Yên
Thế. Đứa con gái viết thư gửi mẹ thì Pháp cho đi nhưng Việt Nam không cho tới.
Đề Thám đâu hay cháu ngoại mình lại được Tây yêu và bị ta ghét…
***
Bố của Văn Sơn, biên tập viên báo Nhân Dân,
anh cả Hoàng Minh Chính chết do đó cơ quan đi đưa rất đông, cả chánh phó Tổng
biên tập Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê. Hoàng Minh Chính được ra tù ba ngày về dự
tang bố.
Trong ngõ nhà xác bệnh viện Việt Nam - Cuba,
anh chị em của báo đứng đầy. Tôi vào tận trong cùng, hy vọng gặp Chính. Thì
thấy Chính quần áo xô đứng chống gậy bên cổng nhà xác - sắp đưa quan tài ra.
Tôi đến bắt tay Chính chia buồn. Sáng sớm nào tôi làm diễn viên Kinh kịch tùng
tùng tùng xoèng chói tai trên nóc bể nước trước cửa căn hộ của anh?
Chính bảo tôi:
- Mình muốn ôm Trần Đĩnh quá.
- Mình cũng vậy, nào, allons- y!
Hai đứa ôm nhau lâu một lúc. Thấy rõ bầu khí
im cứng đanh lại của mọi người xung quanh.
Tôi góp một tay khiêng áo cụ ra. Xe tang đến
đầu Yết Kiêu dừng lại. Chính đứng cảm ơn bà con đi đưa. Vái lạy trước tiên tôi,
ba cái.
Về lại cơ quan, gần một chục người lè lưỡi bảo
tôi:
- Sợ cho ông thật! Lại ôm nhau, vái nhau với trùm
phản động trước mặt cả chánh phó thủ trưởng…
- Và ít nhất năm công an mật - tôi nói.
Sau này, tận 2004, vào Sài gòn, Chính bảo tới
Văn Sơn rồi cứ vặn hỏi thằng nào ôm trước bữa ấy, gớm thế! Chính nói “Tớ bảo là
cùng đồng khởi nhất tề! Họ sợ ghê quá nhỉ!”
***
Năm 1971, Thép Mới ở Rờ (Trung ương cục miền
Nam) ra. Anh tìm tôi ngay. Ngơ ngác, bồn chồn, thấp thỏm… Anh như muốn nói với
tôi một cái gì quan trọng nhưng lại không dám. Tôi cảm thấy anh nhìn tôi có
khác những ngày anh chuẩn bị đi Bê. Tôi chưa hiểu là khói lửa đã giúp cho chân
lý phần nào ló mặt ra ở anh.
Chưa đôi hồi, Thép Mới đã khẽ bảo tôi:
- Tao với cái Châu ra đến giữa đường Trường
Sơn thì gặp thằng V.P. Nó bảo ngoài ấy thối hơn chuồng xí thì đâm đầu ra làm
gì? (V.P. sau là uỷ viên trung ương đảng. Chắc nó tin có mình vào Trung ương
thì cái chuồng này sẽ sạch)
Tiếp ngay sau đo, Thép Mới nói:
- Tôi kinh cho anh quá… Tao với thằng Mai Lộc
đang nằm võng thế này thì xừ Sáu Thọ đến mắc võng nằm len vào giữa. Bảo ngay là
thằng Đĩnh nó láo lắm. Bắt đi cải tạo rồi…
Tôi hỏi:
- Sao kinh?
- Sợ mày khai ra cái gì thì chết tao…
- Thế có chết không? - Tôi hỏi lại, rồi nói
tiếp - Đi đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Lưu Thiếu
Kỳ chết, Đặng Tiểu Bình tù… Đều là Khruschev cả. Nên biết một cái đang là xu
thế chung trên thế giới hiện nay: khoa học kỹ thuật chứ không phải hồng thay
đổi thế giới. Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ năm rồi. Tiếp cận và tiếp
nhận thế giới thế nào thành vấn đề căn bản…
Tôi ngụ ý cần đi với thế giới với khoa học chứ
đừng rúc vào cái hủm chính trị hàng đầumade in Bắc quốc.
- Tao chuyến này ra sẽ mời mày làm cố vấn. -
Thép Mới gật gù nói.
… Anh đã đưa tôi và Chính Yên về ban văn hoá
mà anh phụ trách. Thấy tôi đọc De la personalité humaine (Về
vấn đề bản nhân) của Lucien Sève, uỷ viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Pháp mới
thay Garaudy phụ trách ý thức hệ, anh đề nghị tôi trình bày với ban văn hoá. Có
lý do thực dụng. Anh bảo tôi:
- Cha Duẩn đang nghiền cái này để cha ra một
công thức mới về quan hệ giữa đảng và con người, mày ạ.
Tôi trình bày. Kết luận với ý tôi: Trong các
chính sách đã có, đảng thiếu một cái hết sức quan trọng, đó là la
politique de l’ homme, chính sách con người. Ngồi cạnh tôi, Thép Mới lật sổ
tay lia bút viết chéo hết hai trang giấy: politique de l’ homme! Ngỡ
tôi lấy ở sách Lucien Sève.
Tôi bảo Thép Mới:
- Lucien Sève thay Garaudy đã hội đàm với
Jacques Lacan, tổ sư bồ đề của phân tâm học và viện sĩ hàn lâm Pháp. Một điểm
mới, đó, người ta không sợ đối thoại. Hơn thế, trong hội đàm, trùm tư tưởng
cộng sản lại tự phê bình rằng các người Mác-xít đã sai lầm là coi thường vô
thức, trong khi các ông, từ Freud đã biết đi sâu vào nó.
Ít lâu sau tôi biết công thức mà Duẩn đưa ra
về đảng và con người là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ.
Cái bánh ngon chia làm ba, anh nào cũng đầy đủ
nhân thịt, mỡ, hành, tiêu, lá dong, lá chuối hết, đừng kêu ca phân bì tị nạnh
nhé, sức mạnh tổng hợp của cách mạng đấy!
Về chuyện Lê Duẩn nghiên cứu con người, có một
kinh lịch hãi hùng của Trần Đức Thảo. Nhưng xin chờ hồi sau.
***
Năm 1971, lụt lớn chín tỉnh. Tôi vào vùng lụt
sâu của Hải Dương, cùng với Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam Thông
tấn xã. Mặc quần đùi lội trong các xóm mênh mông nước lạnh buốt nghe dân ngồi
chồm hỗm trên các hiên nhà kháo nhau mà xấu hổ:
- Béo nhẩy, gớm, đùi cứ trắng lôm lốp, nần nẫn
hơn vế đàn bà. Đói nằm bên cứ vỗ đùi suông cũng hoá no. Gạo thịt tem phiếu nên
thịt da khác thằng đếch có phiếu thật.
Ở Thư Thị, Hưng Yên, nơi hồi mới hợp tác hoá
nông nghiệp - theo lệnh Tố Hữu, văn nghệ sĩ “đi thực tế” xuống - đông tới mức
bữa ăn đi va đụng vào nhau mất cả chục phút mới dạt được vào khoảnh sân bày sẵn
cơm canh ngay trên nền gạch - những gầm cống xi măng giữa đồng đầy bèo bên
trong đỏ đỏ xanh xanh lóng lánh mắt những búi, những cuộn rắn tránh lụt, những
con mắt trong tối đeo lên những hạt cườm màu nom bỗng thôi miên và đền miếu.
Tôi thoáng nghĩ tại sao có những con mắt rực sáng lên xanh đỏ lục vàng uy nghi
thần thánh? Và tại sao chúng kết đoàn tránh tai ương còn con người thì lại liều
lĩnh kết đoàn hợp tác xã để chuốc lấy tội nợ?… Lại văng vẳng câu Mao rủa chậm
lên hợp tác hoá như đàn bà bó chân đi.
Lên Lập Thạch nghe ngóng tình hình cấy tái
giá, qua bè dây kéo ở sông Phó Đáy thấy dân nói đêm nằm đã phải đắp chiếu thì
cấy có mà để lấy cỏ, tôi quay sang Lâm Thao, trở lại thăm thời hai mươi mốt
tuổi, những ngày Tố Hữu về làm Tổng biên tập báo Nhân Dân mới ra mắt, cử “đi
thực tế”. Đạp xe suốt nhiều chặng đường xơ xác, gần Hy Cương Đền Hùng, rác dắt
hàng búi tú ụ trên các ngọn cây cao hai mét, trông mà cứ ngỡ tổ đại bằng lưu
lại từ thời Vua Hùng còn đóng khố họp hội đồng thị tộc, vua vừa phổ biến kinh
nghiệm đi vệ sinh chớ dùng lá han mà gãi phải biết rồi sau đó cả hội đồng thị
tộc hun khói bắt chuột đồng liên hoan … Hơi bồi hồi qua đoạn đường một cô gái
mắt lá răm xưa cứ bắt tôi giữ xe đạp cho cô tập, những chiều tôi ở Lũng Vàng,
cạnh Xóm Muôn (nay có tên Làng ung thư), Thạch Sơn chạy bộ thể dục. Được ba
buổi tình cờ một chiều ra giếng tắm. Mấy cô đang thỗn thện bên thành giếng. Thấy
tôi quay lưng toan về thì cô mắt lá răm hú lên một tiếng rồi hai đùi quặp vào
nhau cứ thế nhảy tưng bừng gọi: “Anh ơi, lại đây em dội cho mấy gầu nào, gớm,
mặt đỏ thế…”. Tôi chợt hiểu
quê cha đất tổ nó nguyên thuỷ hồn nhiên như
thế nào. Cả một dẻo ấy lên đến Hoà Bình, Sơn La, Tây Bắc… cứ cứ tinh hoa bày
hết ra ngoài tắm như vậy.
Rồi ban nông nghiệp báo không bắt tôi theo
việc cấy tái giá nữa, cho rằng tôi là đứa vốn kém ý thức chấp hành nghị quyết
đảng.
Ở Hải Hưng, Tố Hữu họp với tỉnh uỷ hất đầu
hỏi:
- Thế nào, Đường 5 anh hùng có đởm lượng phủ
xanh toàn bộ diện tích không. Cờ lệnh tư tưởng lúc này là cấy lại hết đồng đất
bị lụt ở chín tỉnh thể hiện tinh thần quật cường tiến công không chịu thua bất
kể kẻ thù nào.
Hoàng Tâm, thường vụ tỉnh uỷ phụ trách nông
nghiệp đứng lên nói trời đã heo may, cấy bằng đổ thóc giống ra mất toi.
Như không biết có Hoàng Tâm nói, Tố Hữu lạnh
mặt hỏi cả hội nghị:
- Thế nào? Đởm lượng anh hùng bị lụt mất hết
rồi ư?
Lê Quý Quỳnh bí thư bèn đứng lên xung phong
“phủ xanh lại tất cả diện tích bị lụt”. Với Quỳnh, đởm lượng anh hùng trước
tiên đòi làm vui lòng cấp trên bởi lẽ cấp trên ban danh hiệu anh hùng. Và anh
hùng thì thơm ngon hơn khoa học.
Kết quả mấy chục nghìn tấn thóc giống gieo mạ
đem cấy lấy cỏ. Còn Hoàng Tâm thì về vườn. Một lần đến Sặt thăm anh nằm khàn
trong gian nhà lá cất ở giữa ao, rất Khương Tử Nha, tôi bảo anh may là đảng
đang nhấn mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt chứ không thì anh… tù.
Anh nói:
- Thóc giống vất ra có phải tiền của họ đâu?
Tố Hữu trồng mây trồng gió thì được chứ trồng lúa ngô thì chắc chắn kém xa tớ.
- Nhưng Duẩn nhắm cho làm thủ tướng rồi Tổng
bí thư nên bảo đi cai quản kinh tế.
Tôi muốn nói chút ít đến Hoàng Tâm. Anh vốn
không biết tôi nhưng từ khi tôi về tỉnh vài lần xin anh giấy giới thiệu xuống
huyện, xuống xã thì anh liền biệt nhỡn. Chắc nghe ai đó nói “cha này viết Bất
Khuất đấy” và thế là mến mộ.
Mỗi lần ký giấy cho tôi, anh lại nói anh cũng
có việc xuống cái huyện đó và bảo tài xế buộc xe đạp tôi lên sau xe rồi cùng
anh về huyện. Tôi xin kiếu thì cuối cùng anh nói:
- Ông cũng phải cho bọn sai nha chúng tôi có
dịp làm cái mà lương tâm chúng thấy là cần phải làm chứ”. Nhìn người như ông
đạp xe tứ xứ trong khi bọn ba bị chúng nó ngồi ô tô về toàn vòi thịt chó với
rượu, tôi thật sự muốn chửi.
Ở Hải Hưng lúc ấy còn một tỉnh uỷ viên nữa ưu
ái tôi. Phùng, bí thư Cẩm Giàng. Ngay thẳng, ngang tàng. Hoàng Tâm chữ nghĩa
nho nhã, Phùng thì Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm. cũng lại kiếm cớ về Hà Nội để buộc xe
tôi vào chiếc Volga tầm tầm của huyen. Qua cầu phao sông Hồng đến giữa Nhà hát
lớn và Bảo tàng cách mạng, Phùng mới quay lui.
Có một chuyện vui. Đỗ Mười, phó thủ tướng
xuống Cẩm Giàng vào nhà kho thóc kiêm nghiên cứu giống mới gần Lai Xá, Tứ
Thông. Một đàn chó hơn chục con nhào ra sủa. Đỗ Mười tụt về căn cứ địa bất khả
xâm phạm là ô tô thò đầu ra, trợn mắt nạt Phùng:
- Vô kỷ luật! Có lệnh triệt để mà vẫn còn chó
hả?
Phùng nói:
- Thì lệnh chả nói là có triệt có để đấy thôi,
đâu phải chúng tôi vi phạm. Thủ trưởng đưa tay tôi dắt, tôi hay ăn chó, chó sợ,
bảo đảm an toàn trăm phần trăm.
Năm 1972, khi đang bom đạn dữ, tôi xuống Cẩm
Giàng, đêm ngủ dưới hầm sâu với Phùng nghe F-111 cánh cụp cánh xoè xẹt ngay
trên đường xe lửa mà ngỡ thấy mùi không khí bị khoan cháy khét. Một hôm khoảng
bốn giờ sáng, tiếng bom mạn Phú Thái đánh thức tôi dậy. Thấy Phùng chĩa đèn pin
quặp giữa ngón chân cái và ngón cạnh vào chiếc đài bán dẫn Xung Mao Trung Quốc.
- Chữa để tí nữa nghe Bibixi -
anh nói.
- Không sợ nó nói dối? - tôi hỏi. Bụng nghĩ
đến chuyện Tô Hoài nói ông chủ nhà anh và Tế Hanh ngủ nhờ ở gần Chùa Hương sớm
nào cũng gạ anh “mở Abêxê”.
- Ta thì nói thật ư? - Vẫn hí hoáy chữa, Phùng
hỏi…
Tôi lặng nhìn anh. Thú thật là tôi đã nghĩ
khéo anh “khiêu khích”. Phùng đã nói tiếp:
- Này, qua ông, tôi thấy cái này… Là mình
không sợ họ thì họ sợ mình! Thế đấy.
Đến câu này tôi lại tin anh. Và cảm động. Rồi
giật mình: A, cái sợ nó lộ ra ở mặt anh đấy! Đã toan thanh minh: không, tôi sợ
đấy, F-111 nó cày bới trời thành luống thành rãnh sâu hoăm hoắm lên thế kia mà
không sợ ư? Gia tát cạn được bụng dạ thì tìm thấy vô khối xác thằng sợ…
Nghe nói thời đánh Pháp, khi xuống hầm bí mật,
nếu là một cặp đàn ông đàn bà thì thường dễ chuyện kia. Đặc biệt những khi lính
địch đi lộp cộp trên đầu, thuỗn sắt thọc xuống, đất rơi lả tả lên đầu, lên vai…
Tiếng thở của người nép sát bên cạnh bỗng dồn dập, nóng ẩm và hai người tìm nhau…
Căn hầm sâu giữa giường Phụng và giường tôi, mùi không khí cháy khi cánh cụp
cánh xoè lật cánh sang trái rồi lại lật sang phải như để nhòm rõ con đường sắt,
tiếng bom rền…, phải chăng đã đưa Phùng đến gần chân lý?
Một tối chờ B52, Chính Yên, Đỗ Hải và tôi đến
Lê Đạt kéo nhau ra Hàng Giầy ăn lục tào xá. Về đến Cột đồng hồ đầu Hàng Đào thì
loa báo động rùng rợn rú kèm câu kín đáo báo B52 đang vào. Anh em chạy vội.
Biết không tiện đưa Lê Đạt vào hầm báo đảng, tôi bảo Lê Đạt:
- Tớ đưa cậu về.
Tôi đi cùng Đạt, xuyên trong tiếng loa rền rĩ
m quái đang trùm lên các mặt nha im ỉm khiếp sợ và thấy chân bồng bềnh bước
trên một băng dây chuyền làm bằng những đợt sóng âm thanh trầm bổng. Đến nhà,
tôi trở về, Đạt bảo: “Giờ này còn giữ văn hoá như mày là hiếm”. Tôi nói: “Đã
không cùng với mày qua cửa Nhân Văn thì nay tao bỏ mày một mình qua cửa B52 sao
được?”
Thời gian này chánh phó ban nông nghịêp, Phan
Quang và Hữu Thọ hục hặc nhau. Họp chi bộ, Phan Quang nói:
- Tôi ngồi cạnh đồng chí Hữu Thọ mà sợ như
ngồi bên rắn độc.
Cười cười nói nói đấy mà thình lình mổ một cái
là có người chết tươi.
Tôi nghĩ thì cũng rắn độc và mãng xà vương anaconda cả
thôi. Cái ghế trưởng ban thành con mồi.
Phan Quang và Hữu Thọ thế nào sau này lại cùng
Đại hội 7. P.K.L., một lãnh đạo đài cùng dự đại hội bảo tôi khi Hữu Thọ vào
Trung ương, Phan Quang chợt nom không bình thường, sau họp vào nằm ngay bệnh
viện. Hình như cu cậu bị sốc, thằng nó mổ chết người như chơi nay lại trèo lên
đầu mình!
Vào Trung ương Hữu Thọ được giới báo chí tặng
danh hiệu “Ông ngược chiều kim đồng hồ?”. Xì xào là khai thụt mấy năm sinh.
Cuộc đời tàn nhẫn với tôi nhưng cuộc đời cũng
khá chiều tôi: nó luôn ủng hộ các nhận xét của tôi về nhân thế. Phải nói tôi
thường tận hưởng một mình vị ngon cùa món quà này Trung ương cử Hữu Thọ về phụ
trách tạp chí “Người cộng sản”. Nguyễn Phú Trọng từ chối, tuy chưa trung ương.
Thọ đành dạt tới làm phó cho Trần Thái Ninh. Nhờ chốt lại ở tạp chí lý luận của
đảng, nên khi đảng cho tất cả những người phụ trách báo đài trung ương - mà tôi
gọi là hệ lưỡi thất thiệt - đều trở thành uỷ viên trung ương thì Nguyễn Phú
Trọng liền vào Trung ương rồi Bộ chính trị rồi… rồi nắm các thứ. Nhưng sao
Trọng có thể từ chối một uỷ viên trung ương theo lệnh Trung ương về phụ trách
đó? Tôi hay nghĩ ai là bà mụ trong đảng của Trọng. Chuyện Trọng đá Thọ thật là
hay! Cho sự nghiêm minh của chế độ nhân sự đảng. Bị đá đi khỏi tạp chí lý luận
của đảng thì Thọ sang cai quản hệ thống tư tưởng cả nước. Tức là nhờ Trọng vẩy
tay gạt Thọ mà hệ thống tư tưởng cả nước lọt vào tay Hữu Thọ. Biện chứng kinh!
Giữa những năm 90, một sáng Văn Trọng mời tôi
đến nhà anh nhậu. Đến thấy đã có Trần Minh Tân, Trần Hoàn, hai cựu Trưởng ty
thông tin Hải Dương và Hải Phòng. Trần Hoàn đưa ra chai vang Pháp. Minh Tân cầm
lên nói:
- Lẽ ra mày phải một két. Trung ương uỷ viên
thì ăn nhiều lắm rồi chứ! Ừ, còn thế này, về rồi thì lặn hẳn đi chứ lại còn đến
làm phó cho thằng Hữu Thọ đàn em xưa.
- Thì Hữu Thọ đấy, cũng đã đến làm phó cho chú
em Trần Thái Ninh. - Văn Trọng, cũng một cựu trưởng ty thông tin Hải Dương,
nói.
- Cái máng ăn của đảng nó hơi bé. - tôi nói.
Trần Hoàn im lặng.
Ai đó nói: “Thằng này nó mát tính nhỉ?”
Minh Tân nói:
- Không giỏi nhịn thì sao vào được Trung ương?
- Thế sao không cứ làm nhạc mà vào Trung ương
làm gì?
- Cứ làm nhạc thì nhạt vì phải mát tính với
thằng vụ trưởng nghệ thuật, thằng tổng giám đốc phát thanh…
- Ngả đ… nào cũng phải nhạt, phải mát tính
hết, thôi… vang nó ngon đấy, uống đi…
***
Năm 1971 có chuyện ngoại giao bóng bàn mà tôi
cho là rèm sân khấu đã hé. Theo lệ vẫn báo Mỹ đọc. Thấy đoàn Mỹ được chủ nhân
Trung Quốc cho ăn bốn năm bữa một ngày, mỗi bữa chín mười món, có dạ dày cá
mập, đầu khỉ, chân gà… Và được đội Trung Quốc nhường cho thắng. Nhưng qua các
cửa hàng vẫn thấy viết “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn chó săn tay sai”.
Chả hiểu sao, tôi bật cười. Tự nhiên rất lạ,
hai câu ca dao chợt vẳng lên bên tai tôi: “Ban ngày quan lớn như thần, Ban đêm
quan lớn tần mần như ma…”. Dân biết sao được khi lãnh đạo đi đêm thì tần mần
hẹn ước với Mỹ thế nào? Rồi nảy ra một cái ý: nếu ở dưới quai hàm quan lại có
một khoá kéo. Mỗi háng một lần quan nào cũng phải mở khoá kéo cho tập thể nhòm
vào tận đáy cái hộp sọ xem thần và ma chung sống hài hoà ra sao…
Chưa biết chửi khỏe Mỹ cũng là giấu nỗi thèm
chơi với Mỹ.
CHƯƠNG 35
Rèm sân khấu vén lên thật. Tháng 2 năm 1972,
Nixon đến Bắc Kinh. Mao Trạch Đông nôn nóng muốn bắt tay ngay tổng thống Mỹ,
toan xúp cả trật tự lễ tân. Theo The President’ s Private Life của
Lý Chí Thoả, bác sĩ của Mao thì Mao hết sức khao khát gặp người mà ngày ngày
ông sai báo chí, dư luận nước ông chửi là trùm phản động. Kiểu ban ngày quan
lớn như thần, ban đêm… tôi nói ở trên. Mao theo dõi bằng điện thoại mỗi xê dịch
của Nixon đến Trung Quốc. Chu vừa bắt tay Nixon là Mao đã điện bảo đưa ngay
Nixon tới. Và lâu lắm ông mới cắt tóc, cạo mặt. Gặp tổng thống Hoa Kỳ có lẽ là
điểm cầu ước tột cùng của Mao.
Trong 65 phút tiếp kiến, Mao khoe ông đã “bỏ
phiếu” (bầu tổng thống) cho Nixon. Nói chúng ta trước là thù nay là bạn. Hai
nước cần thiết chế hoá quan hệ, hiện nay tình trạng quan hệ hai nước thật là
thảm. Mỹ và Trung Quốc cần có lợi ích song hành và Mỹ nên nhận lấy vai trò
chính trong công cuộc gìn giữ thế giới. Mao còn phàn nàn Mỹ rải quân quá phân
tán, Mỹ thiếu cứng rắn với Liên Xô, kẻ đang hung hăng bành trướng. Mao thú thật
ông đã tưởng Trung Quốc có thể đứng được một mình song nay thấy “chúng tôi cần
phải ra ngoài để học”. (Ôi… ôi… kim chỉ nam! Lại còn phải học cả ngoài nữa.
Việt Cộng mà học như thế thì ông móc họng). Chúng tôi nghèo - Mao nửa đùa nửa
thật - chỉ có phụ nữ là sẵn mà đều là phụ nữ ghê gớm cả. Hỏi Kissinger rằng Mỹ
có cần phụ nữ Trung Quốc không, chúng tôi có thể đưa sang nhiều đấy. Có lẽ ám
chỉ Giang Thanh. Vĩ nhân thường cần có mỹ nhân làm sọt đựng những tã bẩn của
mình.
Mười giờ hội đàm giữa Nixon và Chu Ân Lai sau
đó (nhưng công bố dài có vài phút) đã dẫn đến hai bên móc xẩu cùng chống Liên
Xô, hoãn bàn vấn đề Đài Loan. Để Mỹ yên tâm rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc hứa
sẽ “không làm gì ở Việt Nam” cũng như không quấy rối các đồng minh của Mỹ ở Đông
Nam Á. Đổi lại Mỹ cho Trung Quốc vào Liên hợp quốc. Mỹ bằng lòng: Mỹ cần cho
sập trước hết Liên Xô.
Thôi chọc phá Đông Nam Á như cam kết với Mỹ,
năm 1974 Mao tiếp kiến bà Imelda vợ tổng thống Philipin Marcos.
Xiêu lòng bởi mỹ nhân này - khen bà là “hoàn
hảo” - ông Mao đa tình đã bỏ rơi NPA (Quân đội Nhân dân Mới), tổ chức cộng sản
thân Mao đang vũ trang chống chính phủ Marcos. Lập tức NPA thanh trừng nội bộ,
giết nhau dữ dội.
Trước khi lên máy bay về Mỹ, Nixon nói:
- Đây là tuần lễ thay đổi thế giới.
Kỷ niệm 50 năm thành lập nước Cộng hoà nhân
dân Trung Hoa, Winston Lord, nguyên đại sứ Mỹ tại Trung Quốc từng dự cuộc hội
kiến và đàm phán Mỹ - Hoa nói, cái bắt tay của bộ ba Nixon - Mao - Chu Ân Lai
đã “làm biến đổi thế giới”. Vì nó sẽ làm sập phe cộng sản. Kết quả vượt quá dự
kiến của Nixon và Mao. Và có lẽ chưa cuộc hối lộ nào mà thu hoạch lại kinh
khủng đến thế.
Sự kiện Nixon gặp Mao lớn đến nỗi năm 1987,
John Adams đã viết vở nhạc kịch “Nixon ở Trung Quốc”. Báo Mỹ bình Mao hát tự
tin hơn Nixon.
Sau cú trở cờ ngoạn mục trên đây, Hoàng Tùng
xã luận chửi Bắc Kinh. Nhưng hãi Trung Quốc nên cộp cả Liên Xô vào chửi tuốt mo
hai thằng đầu sỏ cộng sản “sa vào vũng bùn tanh hôi của chủ nghĩa cơ hội”.
Lê Duẩn nói ở một số nơi rằng người sợ Mỹ nhất
là Mao, duy người Việt Nam - tức là ông - không sợ. Coi nhiệt tình là phẩm chất
cao nhất thì với Lê Duẩn sợ hay táo tợn trở thành tiêu chuẩn đầu sổ. May mà Mao
sợ nhưng còn dám giúp vũ khí, lương tiền cho chứ không thì ông cũng chả phô
trương được hết tầm vóc gan dạ.
Mỹ đã ra sức lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung. Cả
hai đều sợ Mỹ - kẻ thù tầm xa - thân với “kẻ thù” tầm gần của mình nên đều cố
chèo kéo Mỹ, kệ cho Mỹ đang mạnh tay lên với chú em bị hai anh đem bỏ chợ.
Ngày 10-5-1972, Mỹ rải mìn phong toả Hải
Phòng. Liên Xô, Trung Quốc chỉ đòi Mỹ không được làm thiệt hại đến tàu và sinh
mạng của mình.
Ngày 11-5, báo Trung Quốc còn hào hiệp đăng
toàn văn bài nói của Nixon để cho dân Trung Quốc “biết các chi tiết về chương
trình hoà bình của Mỹ cũng như sự không khoan nhượng của Hà Nội” mà thấy Mỹ hợp
tình hợp lý, Việt Nam không đăng là vì sao chứ vị đều hiểu.
Còn tàu Liên Xô trúng mìn ở Hải Phòng, thuỷ
thủ bị chết nhưng nhận thư Nixon xin lỗi, Brezhnev liền cho qua.
Ngày 16-5, Hoàng Hoa, đại sứ ở Liên hợp quốc,
giục Kissinger sớm đến Bắc Kinh.
Ngày 13-6, đến Hà Nội giải trình lập trường
đàm phán hoà bình của Mỹ, chủ tịch Liên Xô Podgorny báo ngay cho Mỹ biết Hà Nội
có “thái độ thuận lợi với đàm phán”. Nhưng trước đó, vừa ở sân bay đi Hà Nội,
Podgorny đã phải hưởng một cuộc lồng phóng như điên vượt sông Hồng trên cầu
phao xóc hơn xóc ốc vì Hà Nội nổi còi báo động mà Podgorny thì biết đó là trò
ranh vì Mỹ đã cam kết dành cho Hà Nội và Hải Phòng một phạm vi 15 và 10 cây số
an toàn những ngày ông ở Việt Nam. Doạ cái đứa chăm sóc chi li cho cuộc chiến
tranh của mình - chưa kể dạy nghệ thuật quân sự cho tướng tá biết tiến thoái -
thì quái thật!
Rồi trong một tuần, chúng khẩu đồng từ, cả
Kosygin lẫn Chu Ân Lai “hai ông chủ của Hà Nội” (lời Kissinger), đều khẳng định
chỉ giúp Hà Nội lương thực, nghĩa là từ nay xin anh hãy dân tộc hoá vũ khí: gậy
tầm vông.
Lộ ra lù lù thế cô lập ghê rợn của Hà Nội. Sự
nghiệp đánh Mỹ của Duẩn thế nào lại đi đến thảm cảnh là “thành trì cách mạng” và
“kim chỉ nam” đều “sa đoạ” (lời báo Nhân Dân) rất mót ve vãn kẻ thù của loài
người.
Rồi cuối cùng bài ca thiên hạ đại loạn cho
Trung Quốc được nhờ đã chuyển làn sang thành khúc nhạc ca ngợi Mỹ đứng đầu thế
giới chống Liên Xô cho trần gian yên lành.
Ngày 1-11- 1977, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc
xã luận chỉ rõ Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất của Trung Quốc còn Mỹ lại là
đồng minh. Ngược lại, như để bù vào lần nghe Bắc Kinh xui dại đánh Liên Xô xét
lại, Việt Nam đã ký hiệp ước tương trợ với Liên Xô. Liền bị Bắc Kinh vu cho
tiền đồn Việt Nam bội bạc công ơn Trung Quốc đang theo Liên Xô bao vây chọc
ngoáy Trung Quốc ở phía nam.
Một trí thức Sài Gòn sau này bảo tôi:
- Trong việc phá phe cộng sản, công Việt Cộng
to gấp đôi Liên Xô, Trung Quốc.
- …
- Để phá phe, hai cha kia chỉ đánh lẫn nhau
nhưng Việt Nam đánh tuốt cả hai, chả tha thằng nào thì công chẳng là gấp đôi đó
sao? Đánh Mỹ đi đầu, đánh hai trùm cộng sản cũng đi đầu, chúa tể đành hanh.
Nhưng giá ngày ấy đã biết tuốt để bảo ông bạn
hãy chờ đến những ngày không còn Liên Xô mà chỉ còn Trung Cộng để xem đành hanh
tiếp ra sao.
***
Hai trùm cộng sản đầu hàng Mỹ, Hà Nội càng
phải nêu cao bài học kiên cường. Để cho chúng biết ta chẳng coi liên minh Mỹ -
Nga - Tàu ma quỷ của chúng là cái gì, tháng 3-1972, Hà Nội cho ba sư đoàn, 200
xe tăng và các thứ pháo 105, 150 li đánh thục qua giới tuyến và chiến sự liền
nổ ra ác liệt ở vùng cán xoong Quảng Trị. Mỹ bèn vin cớ ném bom lại miền Bắc.
Trận đầu tiên ở Nam Định. Tôi và Vũ Hạnh Hiên,
Lê Điền xuống viết.
Tối sau đến cơ quan nộp bài. Mùi bia từ trong
cơ quan báo thơm lừng ra ngoài hè, quá cổng cơ quan đến tận mấy hàng thợ may
cạnh Câu lạc bộ Thống Nhất. Các chủ báo, chủ tuyên huấn đang ăn mừng chiến
thắng Quảng Trị. Những bộ mặt bóng lộn, những bàn tay hoa múa, những tiếng cười
và những cái miệng tranh nhau khen ta giỏi. Chiến trường luôn tạo ra cho đứa ở
nhà cơ hội nhậu nhẹt mừng công for free, - không mất tiền.
Tôi bỗng mong cứ ở mỗi bữa tiệc mừng chiến
thắng lại có một màn hình ti vi cho hiện lên các mâm pháo cao xạ còn đầy mảnh
bom, rốc két và những bô quân phục mới toanh của đám lính mới toe đến thay cho
lớp vừa ngã xuống, cho hiện lên các bà mẹ trẻ, công nhân nhà máy dệt đêm tối mù
lèn chật xe pháo nghiêng ngả vượt các hố bom ra bến Đò Quan trực chiến. Ngược
lại mỗi khi pháo binh nổ súng lên máy bay Mỹ thì cùng một màn hình cảnh đó cho
thấy các bữa tiệc của hậu tuyến rất giỏi đi tắt đón đấu chiến thắng…
Rồi thấm thoắt đã ký tắt Hiệp định Paris. Ai
cũng thở phào. Nhưng ở báo đảng hơn người là được đọc tin mật và nghe truyền
đạt tin lãnh đạo nên chúng tôi biết ta đòi sửa một ít chỗ. Mỹ không nghe.
Tôi đến Nguyễn Thành Long. Vừa dự cuộc họp văn
nghệ sĩ ở Nhà hát lớn sáng ấy xong, anh cho hay Hoàng Tùng lên nói rằng ký tắt
Hiệp định Paris thế mà cũng có cái hay đấy, ta được xả hơi chứ không thì phen
này thừa cơ ta đánh sang tới Ấn Độ. Rằng có đâu trên thế giới hiên ngang như Hà
Nội, bất chấp chúng đe bom mà sẽ “một tấc không đi, một li không rời”.
Thế nào ngay chiều hôm đó, Bộ chính trị chỉ
thị Hà Nội sơ tán cấp tốc, triệt để. Huy động mọi phương tiện đưa dân đi bằng
hết. Cứ việc lên xe lửa, xe hơi, không vé, không tiền.
Không phải Mỹ doạ mồm. Lê Đức Thọ vừa hạ cánh
xuống Gia Lâm, B52 đánh luôn Hà Nội. Nghệ sĩ Nhà hát Giao hưỏng Hợp xướng Nhạc
Vũ kịch ở Khu văn công Mai Dịch rúc vào hết các chân cầu thang.
Sáng sau ra Thuỷ Tạ, toan ngược về nhà bà chị
ở Hàng Đào - từ trận Mỹ đánh bom kho xăng Đức Giang tôi rời đầu cầu về ở nhờ bà
chị - tôi thật sự chìm vào một biển người đìu ríu, nhớn nhác, xô đẩy, xuôi
ngược, cõng địu, gồng gánh, đẩy xe thồ, kéo xe ba gác. Một bà cụ gầy yếu, mắt
thẫn thờ dắt một đứa bé gái chừng năm sáu tuổi. Hai tay nải quàng vai, một tay
kéo lê một cái bị, một tay lôi cháu. Đứa bé gái thút thít khe khẽ. Nhìn thấy
tôi, cháu chợt mếu xệch, chân tập tễnh bước, đầu quay lại nhìn tôi. Hình như
tôi có thể cho phép cháu được ở lại bên bố mẹ, bạn bè. Ở gấu quần hoa bạc phếch
lòi ra một gấu quần đông xuân xanh lá cây mới toanh. Bà lôi cháu đi gấp, cháu
“oá” lên một tiếng và tôi liền ràn nước mắt. Tấm bùa hộ mệnh bố mẹ cài lên đứa
con là cái mẩu quần thòi ra kia.
Vợ con tôi theo Nhà hát sơ tán đầu tiên đến
Chợ Bùng, Thạch Thất, quê Phùng Khắc Khoan (con Mây ngái ngủ thất thểu ôm chiếc
chiếu đi từ xe hơi vào làng cứ thế chấm đầu chiếu vào các bãi cứt trâu…) rồi ít
ngày sau cả Nhà hát được bốc lên tít tận Gia Áo, huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Vợ con Lê Đạt theo Nhà hát kịch lên cái xóm
sâu hơn vào trong chút ít. Đầu xóm đó là nhà nữ diễn viên Kim Thư. Hôm đầu tôi
vào tìm vợ Lê Đạt, gặp ngay trước tiên Kim Thư đang chơi với đứa con bé trên
nền nhà cao ngất.
- Anh chuyện với em tí nữa đã. Nó cho một quả
đánh đoành là thôi, nói được lúc nào hay lúc đó mà, phỉ phui. Lên tận rừng xanh
núi đỏ tít mít mù khơi thế này em nhớ Hà Nội quá. Liệu nó có xoá sạch Hà Nội
không anh? Cả nước có mỗi một chỗ gọi tạm được là phố là xá mà nó xoá thì thành
đồ đá thật mất đấy.
Tôi nói:
- Sao lại xoá sạch. Nó không đánh dân đâu
- Anh ơi, người ta bảo anh xét lại là không
oan thật…
Tháng một hai lần tôi chở Đạt cùng đi thăm vợ
con. Những hôm mưa, gần bến Trung Hà, đất quánh trét vào giữa bánh và chắn bùn,
xe không đi nổi, Lê Đạt lại xắn quần xách hai đôi dép đi giật lùi đến nữa cây
số chỉ từng vũng ngập nước sâu để “cụ Tuần” lái xe vào cho rã bùn ở gác-đờ-bu
ra mới hòng lăn được bánh. Có khi chiều tà chờ phà ở Trung Hà, nhìn sông nước
tại cái vùng nôi nguyên thuỷ của đất nước, tôi rớm nước mắt. Buồn nhớ con hay
thương cho bề dầy thời gian lùi lũi, lặng lờ, cam chịu ở nơi cội nguồn gần như
mấy nghìn năm không biến hoá. Một lần Phú Quang, ở Nhà hát giao hưởng - hợp
xướng - vũ kịch ngồi phà chợt nắm tay tôi:
- Em quý các anh xét lại…
A, Phú Quang biết chúng tôi phản đối chiến
tranh và đồng tình, tôi cảm động. Phải nói lúc ấy người nói rõ ra như Phú Quang
là rất hiếm.
Báo Nhân Dân chuẩn bị đến căn cứ địa mới của
Trung ương ở mạn giữa Sơn Tây, Hoà Bình, có hầm chống bom nguyên tử. Cơ quan
rục rịch lên rừng lần thứ hai.
Nhưng tôi lại lên Thái Nguyên làm phóng viên
thường trú. Lãnh đạo báo nói rõ là tôi không đủ tư cách chính trị để đến căn cứ
địa mới. Chắc sợ tôi sẽ liên hệ với địch để đánh phá đầu não? Cũng chính vì sợ
tôi theo địch nên báo không cử tôi đi B hay ra tiền tuyến. Tôi biết thật ra từ
lâu công binh ta và Bắc Triều Tiên đã làm hầm chống bom A ở an toàn khu Việt
Bắc, vùng Kim Sơn, Khuôn Câm, huyện Định Hoá, Thái Nguyên.
Ngày ngày ở văn phòng tỉnh uỷ, tôi nhìn Bắc
Dũng, bí thư tỉnh béo phì từ chỗ ông ở thở nặng nề lên dốc. Phó văn phòng tỉnh
uỷ bảo tôi rằng ông đều kỳ sang Liên Xô bóc mỡ. Mỗi lần bóc năm cân. Còn bà vợ
ông chủ tịch tỉnh cứ chủ nhật lại mang gà ra chợ bán. Đồn là bà mang cân nhà đi
theo và không ai được phép dùng cân khác cân của bà. Để bà quắc mắt lên cho mà
sập chợ à? Thế là mỗi con gà bán đi ít ra cũng điêu dôi được một hai lạng. Tôi
hỏi thế gà nhà nuôi hay bộ đội bảo vệ nuôi. Nghe đâu gà của vợ bí thư tỉnh B.
toàn là bộ đội bảo vệ nuôi. Bằng cơm bộ đội bảo vệ.
Chiều, tôi thường đạp xe loanh quanh. Qua nhà
tù Phú Sơn mấy lần. Không biết chính thời gian đó Trần Châu cùng Kiến Giang bị
giam ở đó, bom đã quăng vào đó. Và năm ngoái Phạm Viết chết ở đó. Đi qua lại cứ
cố nhớ có phải xưa bắn cụ Cử Cáp là ở quãng này không. Cái rừng có bệnh viện sơ
tán, nơi mẹ Linh chết ở đâu? Một lần về Hà Nội đạp xe qua Xóm Đồi, Ba Hàng thăm
hai con Đào Năng An sơ tán chỗ ông bà ngoại. Thương cái gia đình bốn người tử
tế mỗi lần chở nhau bằng xe đạp qua cầu Đa Phúc thì An lại phải tính toán nên
đi chung để chết cả đống hay chia đôi, mỗi đội hành tiến qua cầu gồm hai mống
hay chia làm hai đội mà một gồm ba (“mẹ còn sống thì nuôi hai con tốt hơn là
bố”) … Bữa ấy thăm ông bà và hai cháu xong tôi nổi cơn đạp xe xuống Nỉ, qua đèo
Dây Diều sang vùng Xuân Hoà, “thủ đô mới” ở chân đèo bên Phúc Yên, những toà
nhà trống rỗng hoang phế nom như những dinh cơ nhà táng bằng gạch ngói thật với
kích thước cực lớn nằm ở đó chờ một ngày đốt vàng cúng một thời đầy hào khí nhí
nhố nghe ông anh xui dại cho thủ đô vượt sông Hồng để không lo bị cắt đứt với
đại hậu phương. Suốt đoạn đèo dài tôi cứ nghĩ cái ý: xưa Cao Biền yểm bùa không
nổi thì nay dùng mẹo đại hậu phương khuyên tiền tuyến lại bứng được Hà Nội đi.
Rồi lại mong có một cụ nghĩa quân Cụ Đề ở trong bụi rậm nhô ra.
Rồi mười hai ngày đêm B52. Kissinger nói vì
Việt nam quá tự tin, coi có thể lợi dụng chỗ phạm chí mạng của Mỹ là bất đồng
giữa Mỹ và Thiệu nên trong hội đàm với Kissinger, Lê Đức Thọ đã “quăng ra mười
bảy câu vớ vẩn với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa” (lời Kissinger) hy vọng ép Mỹ
khuất phục, Hà Nội “không biết rằng khi bị dồn đến chân tường thì Nixon nguy
hiểm hơn ai hết”.
Rồi ngừng bom, rồi Hiệp định Paris lại ký. Thế
là Mỹ đã làm sáng rõ bằng bom cái ý của “mười bảy câu vớ vẩn” đòi sửa. Cũng đồn
Hà Nội hết nhẵn tên lửa SAM 2 và 3.
Chiều đầu tiên, ngừng bom, khoảng sáu giờ, tôi
đến ga Hàng Cỏ. Toà nhà chính của ga vẫn như một con đèo đất đỏ nằm vắt ngang
giữa hai toà cánh nhà sót lại. Vết tích của đợt “bom thông minh” đầu tiên ném
cách đây mấy tháng.
Tôi dừng lại ở quảng trường 1 tháng 5. Một
vùng vắng lạnh, hoang vu, nguyên sơ duy nhất mình tôi. Chợt phía đầu Yết Kiêu
hiện ra một người. Lù rù, lò dò đi đến phía tôi. Trong bóng tối bắt đầu dầy,
hắn đến bên tôi, râu tóc bù xù, hai mắt gườm gườm ánh lên. Trần Dần.
Hai đứa im lặng ngắm nhìn bốn bề. Khung cảnh
ngày càng biền biệt chìm vào một chiều kích hun hút nào vô danh, chưa hề thấy
trên mảnh đất này. Nó không bờ, không đáy. Nó sóng sánh, dập dềnh ở ngay đây,
nó e ấp một cái gì đang râm ran tí tách nở, rón rén ra mắt. Bỗng tôi rơm rớm
nước mắt vì chợt hiểu cái gì kia chính là niềm vui sơ đẳng nhất, mong manh
nhất, hiếm hoi nhất mà cũng bao la người nhất, cái ta rất khó được hưởng lấy
một lần lâu trong đời: đó là hạnh phúc! Thế rồi lại chợt hiểu hạnh phúc bao giờ
cũng xuất hiện e dè, câm nín sau những đau thương chờ đợi nức nở.
Trần Dần và tôi làm hai quái tượng xù xì đằm
mình trong đêm đầu êm ả vừa quay lại thả neo vào cái sống nó khiến cho ta muốn
khóc lại muốn cười. Như biết thói trở mặt thất thường của con người, hạnh phúc
đang phải đánh hơi, rón rén đến…
Ở giữa quảng trường, Trần Dần nhếch mép bảo tôi:
- Con lừa này ra cũng không ưa nặng, mày nhỉ.
Tôi như thấy ở Trần Dần lúc này người tu sĩ ẩn
dật trong Hadji Mourat của Lev Tolstoi.
Hôm sau đọc báo thấy bài Thép Mới viết Hà Nội,
thủ đô của phẩm giá con người, tôi vào buồng anh, nói:
- Nên cho Liên Xô, Trung Quốc một tẹo phẩm giá
ven đô Trôi Nhổn, Cổ Nhuế gì đó…
- Đứa nào đổ máu? - Thép Mới dừng lại, hơi khó
chịu.
Nhìn anh bạn cáu, tôi không hỏi tiếp: “Ai cũng
biết sau khi ký tắt ta đòi sửa nhiều chỗ trong hiệp định nên Mỹ nó “sửa” bằng
B52, vậy sao cậu không nêu thắng lợi đã buộc Mỹ phải sửa theo yêu cầu của ta mà
chỉ nêu bắn rơi pháo đài bay? Chính trị hàng đầu cơ mà, đâu phải quân sự? Ừ, ta
đổ máu, đúng, nhưng nếu chúng không cho súng gạo thì đổ máu sao nổi đây?”
***
Hai tuần sau Hiệp định Paris, Henry Kissinger
đã “kiện” Lê Đức Thọ hơn 200 vụ vi phạm Hiệp định. Không rút khỏi Campuchia và
Lào, Việt Nam lại còn tống 235 xe tăng vào tận cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Lê
Đức Thọ nói đó là cam nhông chở lương thực cứu dân. Theo tiến sĩ Kissinger,
Nguyễn Cơ Thạch “thông minh hơn” nói xe tăng cũng chở lương thực. Nhưng vượt
biên giới sao không xin phép người ta? Kissinger vặn.
Một năm sau, tháng 9 năm 1973, Fidel Castro
ngồi máy bay AN-24 số hiệu 1094 của Hà Nội lén bay vào tận Đông Hà “giữa lúc
địch đang mọi cách phá hiệp định Paris” (báo Công an thành phố Hồ Chí Minh
tháng 8 - 2006). Chúng ông chính nghĩa nên dù chúng ông mang súng ống đến đâu
thì cũng là xây dựng còn chúng mày mang cơm áo đến cũng là phá.
Kissinger viết Sihanouk đã xin Mỹ đẩy Việt
cộng ra khỏi Campuchia và bằng lòng cho B52 Mỹ ném bom vùng Việt Cộng đóng ở
nước ông. Dạo ấy tôi nghe truyền đạt rằng Sihanouk “hai mang”, vừa xài xìn ta
để cho đóng quân lại vừa sợ.
… Mao sung sướng tiếp Nixon và chê Mỹ đánh
Liên Xô chưa đủ đô! Rồi đến Đặng. Cả hai đều nhìn rõ hơn ai hết tai hoạ chống
Mỹ. Tức là đã bắt lầm tay. Vì Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình càng quyết không bỏ lỡ
thời cơ chuyển hướng: coi Liên Xô là kẻ thù cần phải hạ, coi quan hệ thân thiện
Mỹ - Trung là điều kiện cơ bản để có thể tiến hành công cuộc bốn hiện đại hoá,
đẩy Trung Quốc ra khỏi quỹ đạo ì.
Trong cơn chuyển dịch dữ dội của các tảng lục
địa, Việt Cộng đã không đủ tầm vóc nhận thấy Anh Hai đã xoá hẳn cuộc cờ: là cây
gậy Bắc Kinh mượn đánh Mỹ thì nay Việt Nam là cái đầu cho Bắc Kinh mượn củng
vào để chứng tỏ với Mỹ sự thay đổi thật lòng của mình. Như Tôn Ngộ Không bị
giam trong lòng bàn tay Quan Âm, với tâm thức tự hào được làm đứa em chung
thuỷ, muốn gì Việt Cộng cũng không vượt qua nổi bức trần vây hãm hai ông anh
xây cất kiên cố ở trong đầu Việt Cộng.
Bắc Kinh phá bằng được vai trò trùm quốc tế vô
sản của Liên Xô để vùng lên cho Trung Quốc có địa vị lớn hơn. Liên Xô vốn kìm
hãm các nước trong phe cộng bằng nguyên tắc tập trung dân chủ - mày phải nghe
tao! Nhưng Mao lại “tao” hơn nữa. “Tao” với tất cả, Việt Cộng chỉ không “tao”
với hai ông anh. Cho đến ngày, bốn năm chục năm sau, Nhân dân nhật báo Trung
Quốc khinh mạn gọi Việt Nam là “chồng trứng mong manh kẹp giữa Mỹ và Trung
Quốc”, chồng trứng vẫn không cựa quậy.
CHƯƠNG 36
Trần Đức Thảo, nhà triết học bị về vườn vì Nhân
văn - Giai phẩm, một hôm bỗng được Nguyễn Đức Bình, thư ký của Lê Duẩn đánh xe
đến đón lên gặp Tổng bí thư.
Xảy một chuyện không ai nghĩ ra nổi. Chính
Thảo kể nó cho Phan Thế Vấn, Gia Lộc trước rồi sau cho tôi nghe.
Phòng khách nhà 8 Hoàng Diệu, chỉ ba người:
chủ nhà Duẩn, Bình và Thảo. Bình vào đầu nói hôm nay Tổng bí thư mời giáo sư
đến để nghe Tổng bí thư trình bày một đề cương về vấn đề con người rồi sau đó
xin mời giáo sư góp ý kiến.
Duẩn trình bày. Được ba phút, Bình nhắc Thảo
chú ý ghi. Ở Việt Nam nghe thủ trưởng mà hí húi ghi là dấu hiệu trung thành
tuyệt đối nhưng Thảo lại ngồi im. Lát sau, Bình đẩy giấy và bút đến cho Thảo,
hy vọng có cơ sở vật chất trước mặt thì thượng tầng kiến trúc của Thảo sẽ hoạt động.
Duẩn tiếp tục trình bày và Thảo tiếp tục ngồi nghe không động đậy.
Duẩn nói hết, Bình lên tiếng:
- Tổng bí thư đã nói xong, xin giáo sư góp ý
kiến!
Ngơ ngác một lát, Thảo nói:
- Tôi không hiểu gì cả.
Thảo vừa dứt lời, thoắt một cái rất nhanh Duẩn
đã nhào đến đằng sau anh, quàng hai tay vào ngực anh rồi liên tiếp xốc lên dội
xuống anh mấy đận, đoạn buông thịch một cái xuống, bỏ vào trong nhà.
Bình nhăn nhó đến trước Thảo trách:
- Tổng bí thư nói mà lại bảo không hiểu gì cả
thì lạ thật!
Rồi cũng bỏ vào theo chủ nhân nốt. Lớ xớ tìm
mãi không thấy lối ra, cuối cùng Thảo đành nhờ gia nhân nhà dưới chỉ cho đâu là
cổng. Lại lớ xớ rẽ ngược về Quan Thánh, cuốc bộ một quãng xa mới vớ được một
xích lô chuyên chở đá cây cho mậu dịch không có ghế, phải ngồi mớm vào mép
thùng xe.
Hồi ấy người chân chính không ai leo xích lô
mà bóc lột lao động.
Tôi đùa bảo Thảo:
- Thật đúng là được hôm vua vời ôm bế thì gặp
phải ngày thất kinh. May mà vua nói vấn đề con người chứ nếu nói vấn đề con vật
thì không biết hôm ấy anh sẽ còn lạc đến tận đâu.
Thảo tủm tỉm cười.
Vấn đã hỏi Thảo:
- Tại sao anh không hiểu?
- Khái niệm không chuẩn gì cả.
- Duẩn là Mác-xít cơ mà?
- Ở ta chỉ có Trường Chinh hiểu được chủ nghĩa
Mác chứ Duẩn thì không. - Thảo lắc đầu quầy quậy.
Với tôi, anh còn thì thào vào tai:
- Duẩn tu đạo Cao Đài đã đạt tới chỗ nhìn được
thấy các vị thần sở tại tức là cao cấp rồi đấy… Chắc chắn đúng mà… Làm sao Duẩn
lại Mác-xít được?
Qua những lần anh nói về Lê Duẩn, tôi thấy anh
kỵ nhất ông này ở chỗ mà anh cho là nhập nhèm về triết. Theo anh, Lê Đức Thọ,
người của bộ máy, giảo quyệt, gian ngoan, tà tâm làm Tổng bí thư, còn hơn Duẩn
tà đạo nhận xằng là Mác-xít.
Thọ không bao giờ vỗ ngực ta thạo chủ nghĩa,
chỗ ấy khác Duẩn và cái đó, theo Thảo, còn khả dĩ. “Duẩn đã tu đạo Cao Đài rồi
mà…”, tôi vẫn thấy một cái gì ghê sợ đằng sau câu này của anh.
Tôi quen Thảo qua Vấn và Gia Lộc. Mới đầu anh
nghi tôi ở trong cái brain trust, chữ Thảo đặt ra để chỉ những
người làm quân sư cho Duẩn dưới trướng Hoàng Tùng. Anh có một ám ảnh bệnh hoạn
tâm thần về công an: họ
nhan nhản quanh anh và rình rập theo dõi anh
ngày đêm rất ngặt. Chúng tôi đùa gọi căn bệnh này là flicomanie, cá khủng,
sợ công an. Một sáng đến Đào Duy Anh xong, tôi sang Thảo theo hẹn. Hai anh
chiếm hai đầu cái hành lang chạy hết chiều ngang tầng ba toà nhà B6 Kim Liên.
Tôi gõ cửa. Nghe ngóng. Lại gõ. Cứ im. Chắc đã quen nết, Đào Duy Anh vẫn chờ ở
cửa buồng anh lúc ấy gọi tôi bảo:
- Xướng danh lên!
Tôi xướng danh rồi nhờ có Anh chứng kiến nên
tôi ghé mắt nhìn qua khe ván cửa.
Trong kia, cách chừng ba bước, Thảo đang đứng
lom khom nhìn ra cửa, hai tay hơi giơ lên nửa như muốn mở nửa như thủ thân.
Gian phòng ngoài khá rộng, không đồ đạc, sàn la liệt sách báo. Tôi chợt chứng
kiến một homo erectus - người đứng thẳng trong thời kỳ bắt đầu
tập đi hai chân trên lớp lá rừng rụng đầy đất. Nó mới thật ngược lại cái dáng
đứng Bến Tre, cái dáng đứng mà một lần tôi bảo Vũ Cận, Tổng biên tập một tạp
chí tiếng Pháp là nên dịch nó thế nào. À, cứ dịch sao ra cái dáng ông đếch sợ
mày ông oánh mày đây là được, Cận nói, nhưng tuyệt đối không position
debout, kẻo Tây họ tưởng là ta chỉ đề cao có mỗi kiểu…
Thảo dắt tôi bước lên sách báo ngổn ngang ra
đầu hồi chỉ xuống bãi đất bên dưới:
- Chúng nó đấy! - Anh thì thào.
Một lũ trẻ đang đánh bi ở đó.
Tôi chợt nhớ lại năm 1951, Thảo mới về nước,
cả căn cứ địa bàn tán - bàn đến cả cái túi ngủ kín bưng đêm đêm anh rúc vào.
Đều phục chuyện ngày sang họp Hội nghị Fontainebleau, Phạm Văn Đồng đã “tam cố
Thảo lư” vận động Thảo về nước. Tính lại đận “cầu hiền” ấy thì cầu nay qua rồi
đã rút ván còn hiền thì hoá thành ác! Tôi đưa anh về để anh nghe tôi chứ đâu để
cãi lại tôi!
Thảo có cách viết đặc biệt. Nằm. Nằm nghiêng.
Và đầu không gối lên bất cứ một thứ gì. Một bảng học trò, một tập giấy học trò
kẹp vào đó và thế là nằm viết. Một lần cùng Vấn đến phòng cấp cứu đặc biệt mà
Tôn Thất Tùng dành cho Thảo ở Bệnh viện Việt Đức, thấy anh đang nằm viết như
thế, tôi đến nắn nắn cổ anh:
- Thảo nào Thảo cứng đầu cứng cổ. Đây là Dáng
Nằm Bến Cỏ, đối lại với Dáng Đứng Bến Tre đây mà.
- Tại sao anh toàn viết tiếng Pháp? - một lần
tôi hỏi.
- Tiếng Việt chúng mình chưa có đủ khái niệm
triết.
Anh có một quyển Hiện tượng luận về Tinh thần
của Hegel, nguyên văn tiếng Đức, bìa cứng, xuất bản đã lâu, vật theo anh từ
Pháp về căn cứ địa Việt Bắc dạo nào. Ở lề các trang sách chi chít những ghi chú
tiếng Đức, hoặc mầu xanh - phản bác, hoặc mầu đỏ - tán thành. Tôi nói có phim
mầu chụp hai trang sách này lên sẽ cho ra một bức hoạ ấn tượng chủ nghĩa rất
đẹp.
Nhà xuất bản Sociale (Edition sociale) của
Đảng cộng sản Pháp in Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (nguyên
bản tiếng Pháp, 1973 - BT) của Thảo. Anh đưa tôi đọc thư Lucien Sève phụ trách
tư tưởng của đảng viết “cảm ơn mày đã gửi in sách, làm vẻ vang cho nhà xuất bản
chúng tao. Một nhà xuất bản bên Anh ngỏ ý xin bản quyền nhưng tao biết mày chỉ
chuyên tâm cho lợi ích giai cấp công nhân cho nên tao đã từ chối”. Với nhuận
bủt 8.000 đồng, anh mua một tủ lạnh. Ba tháng sau phàn nàn hỏng rồi. Tại sao
nhanh thế? - tôi hỏi.
“Thằng cháu mình nó cứ táy máy…”. Hỏi kỹ thì
ra không phải.
Tại anh. Anh dùng nó thay quạt, thứ anh không
có. Mở nó ra, nằm nghiêng ghé đầu vào trong nó mà viết miết. Mũ lá, xe đạp
Peugeot Con vịt xanh lè như Nguyên Hồng. Khác là đi guốc mộc quai ni lông giả
nhung mầu nõn chuối hay mã não. Và hai bàn chân trắng hồng, thứ không có ở
Nguyên Hồng.
Cuối những năm 80, Thảo vào ở Sài Gòn. Khách
sạn Bến Nghé, Thành uỷ cho tiền trọ còn ăn uống tự lo. Ngày ngày anh thượng
xích lô về nhà cô em gái họ ở đầu Lê Thánh Tông gần Hai Bà Trưng, nấu cơm rồi
lại xích lô chở người và cà mèn về khách sạn. Tôi nhờ vợ con Ngô Y Linh - chị
Liên và cháu Ý Minh, để anh đến nhà gần đấy nấu nướng đỡ vất vả. Gia đình nhiều
lần ngỏ ý nấu giúp nhưng Thảo không nghe. Không muốn phiền. Vả, anh lo chăm sóc
cái gan. Kiêng khem quá kỹ. Liên, vợ Ngô Y Linh chỉ đi chợ, rửa rau làm thịt
sạch sẽ cho anh. Nhưng, Liên bảo tôi:
- Đến khi ăn cơm, mời anh ấy ra bàn, anh ấy cứ
đứng ăn ngay ở cạnh bếp…
Một hôm tôi và anh đi dạo, sáu giờ chiều. Liên
Xô đang đổi mới mạnh. Quá khứ tội lỗi đen ngòm hiện hết ra. Chống im lặng đáng
sợ của Nguyễn Văn Linh là một kiểu Việt Nam hoá khẩu hiệu glasnost,
minh bạch. Vừa đến ngã tư Lý Tự Trọng thì mưa ầm ầm như thác. Đường phố thoắt
cái thành sông cuồn cuộn. Chúng tôi ghé vào một hàng làm đầu, mượn hai ghế đẩu
ngồi ngay dưới mái hiên vừa chuyện vừa coi mưa, chân ngâm trong nước. Một lúc
tôi thò tay xuống moi lên hai chiếc dép da Thảo vẫn để nguyên ở chân rồi cầm
hộ. Thảo nói sẽ phê phán chủ nghĩa Stalin, nó làm hại phong trào cộng sản vì nó
xuyên tạc chủ nghĩa Marx. Lê Duẩn chính là trong luồng ấy đấy. Anh cũng phải
phê phán chủ nghĩa xét lại. Vì Khruschev, cả Gorbachov và các anh nữa đều có
tàn dư Stalin.
Tôi hơi tự ái. Mình bị nện đau bỏ bà đi mà ông
bạn lại bảo là còn nặng chủ nghĩa Stalin! Tôi nói:
- Được, cho rằng bọn tôi còn chủ nghĩa Stalin,
được, thế nhưng tôi hỏi anh, chúng tôi có là nạn nhân kinh hoàng của đàn áp
kiểu Stalin và Mao không? Thứ hai, chúng tôi đã có ngày nào cầm quyền mà gây
hại chưa? Cho chúng tôi vào một giọ với Xít, Mao, Lê Duẩn thì e anh khó mà được
người ta tán thành.
Thảo im. Tôi nhẹ người, Ngoái lại: ba cô làm
đầu nằm trên ghế hạ ngửa hết nấc, quần vén cao, có lẽ tới cỡ mà Bộ văn hoá
thông tin ngày nay cấm, mấy cặp đùi trắng lốp co lên tận ngực khe khẽ hợp xướng Gọi
nắng trên vai em gầy…
Lát sau, tạnh mưa, chúng tôi đi tiếp. Thảo nói
sẽ cố hoàn thành hệ từ hội dành cho máy tính…
Một sáng ngồi ở nhà Vấn, tôi nói muốn viết
anh. Tôi nói sẽ viết hành trình triết học của anh, tại sao thành người làm
triết, những bước đi chủ yếu trên đường nghiên cứu, những bài học lớn cho người
làm triết, tại sao chúng ta ít triết gia, ít chất triết.
Anh cảm động nhận lời. Anh từ lâu không còn
coi tôi là trong cái tờ-rớt não của Lê Duẩn, không thành kiến tôi chỉ là inneisme - thuyết
bẩm sinh. Tôi đã lỡ ca ngợi hết lời Con người được lập trình cũng
như Konrad Lorenz.
Sáng hôm ấy, tôi hỏi anh tranh luận với Sartre
ngày ở Pháp làm sao, Thảo nhăn mặt lại:
- Tranh luận nào?… Không có đâu. Tranh luận
thế nào được với Sartre?
Thấy rõ nét mặt ngượng nghịu của anh lúc bấy
giờ. Chuyện là như thế này: lúc ấy có một hội thảo trên sách báo của giới triết
học, trong đó có một của Thảo. Theo dự định, Sartre cũng có một tham luận - và
tham luận ấy đối lại với cái của Thảo chứ không phải có tổ chức hội thảo mặt
đối mặt với nhau- nhưng rồi không hiểu sao Sartre không tham luận nữa. Thảo nói
chắc ông ta thấy nhảy vào cuộc này chẳng đem lại danh giá gì hơn cho ông ta.
Chuyện viết này chưa thành thì Thảo sang Pháp.
Và chết.
Gia Lộc lặng lẽ đưa tôi một tập ảnh tang lễ,
một chân dung Thảo nhắm nghiền hai mắt thanh thản giữa mấy cành hoa trắng. Tôi
nghĩ giá như đừng bày hoa.
Sau này người ta làm tang vớt cho anh ở trong
nước, đem anh chôn ở Văn Điển. Một trí thức bảo tôi sao lại không để ở Mai
Dịch? Tôi nói: Văn Điển hơn. Về chữ hay hơn Mai Dịch. Văn là văn
hoá, lễ tiết, nghi thức. Điển là phép tắc, tiêu chuẩn. Phép tắc của
văn hoá, lễ nghi. Hơn Mai Dịch vốn có cái nghĩa là nơi chôn nha dịch hay nơi
làm dịch vụ đào huyệt. Thảo có làm quan hay đào bới gì đâu mà vào đó? Còn dân
không thạo chữ nghĩa thì lại hiểu mách qué ra là nơi ngày mai phải dịch đi nơi
khác.
Thế với dịch trong ôn dịch thì…?
- Dạ, tôi không biết chữ ấy…, - tôi nói. À,
nhân đây nên biết cụ Tả Ao có để lại một câu là “Bất hạ Mai Dịch kỳ”, không
đánh cờ làng Mai Dịch. Chắc là bịp giỏi?
Nhân chuyện hoang tưởng của Thảo, tôi nói tới
hoang tưởng của Nguyễn Sáng. Nói vì cả hai đều tiêu biểu được cho bệnh cá
khủng - chuyên thấy mình bị công an đe doạ.
Một hôm Sáng rất quan trọng bảo khẽ tôi:
- Tao nói mày nghe…, tao vừa vượt qua được một
thử thách gay go hết sức. Thế này… Chúng nó… (thấy vẻ tôi như hỏi ai vậy, anh
nhìn tôi hơi lâu) Là công an chứ ai? Kéo mình đến một cái phòng tối om, kín bịt
bùng. Thình lình đèn bật sáng quắc. Một luồng, một chùm ánh đèn chói lọi chiếu
thẳng vào mắt tao thế này, ừ, mạnh tưởng như nó đấm vào ngay giữa mặt mình ấy
chứ. Đằng sau đó ba bốn bóng người. Nói: - Hỏi đây…, phải trả lời trong vòng ba
phút. Không trả lời được thì vào tù, nhà sát bên đây, không phải đi xa. Còn nếu
trả lời tốt, giúp ích được cho nghiên cứu của Nhà nước thì sẽ được phong giáo
sư. Tại sao lại hỏi anh? Vì anh vẽ không đúng. Không đúng sự vật khách quan,
nói theo triết học là xuyên tạc bản chất sự vật, làm hư hỏng nhận thức luận của
chủ nghĩa Mác. Nhưng thôi, nghe đây! Chiến tranh thế giới thứ ba nổ ra thì đánh
nhau bằng gì?… Nào, trả lời! Tao vừa nghĩ câu trả lời vừa nhận định đây là Bắc
Kinh nó thông qua công an Hà Nội hỏi. Để nó đánh Mỹ mà. Thế là đáp luôn tắp lự:
đánh nhau bằng bụi nguyên tử! Đèn bật sáng, ba đứa đội mũ phớt giống như cái mũ
tao vẫn đội ấy đi đến bắt tay tao: “Xứng đáng giáo sư…, hoạ sĩ giỏi lắm”. Đó là
nhờ hằng ngày vẫn phải lọc sạch bụi của ánh sáng đi mà vẽ đấy, - tớ nói.
Ít lâu sau, anh bảo tôi:
- Hôm nào tao bảo mày chúng nó phong tao làm
giáo sư nhưng mày biết không, chúng nó vẫn bám theo tao. Trước cửa nhà tao, 67 Nguyễn
Thái Học, vẫn có hai đứa cải trang làm đàn bà xấu xí ngồi với bốn cái sọt đựng
mấy nải chuối chứ còn phủ toàn là lá chuối. Để làm gì? Để che đi mấy cái micro
rất bự chĩa thẳng vào buồng tao nghe trộm…
Một tối khuya, mưa lất phất, Sáng và tôi đi
trên hè trước Toà án nhân dân Thành phố. Sáng mặc áo gió đen loang loáng ướt,
ánh đèn hắt vào tôi lại ngỡ có những hàng răng trắng nhe ra cười, hai vạt áo
dài vung vẩy vui vẻ (tôi để ý mới thấy thì ra hai tay Sáng đút trong hai túi là
động lực ngầm của sự vung vẩy vui vẻ kia…, Sáng cười khoái trí bảo tôi:
- Tao báo mày tin mừng đây…, tao khỏi điên
rồi. Công an dạo nào nghe trộm tao chính là mấy mẹ bán chuối thật, hôm nọ tao
vờ mặc cả, lật cả sọt ra thì không có máy gì hết… Rồi dạo này tao vẽ không có
đứa đứng bên xui nữa. Một hồi tao vẽ là nó cứ bảo dài, dài nữa, dài nữa, có khi
bút quệt cả ra ngoài toan… Rồi nó lại bảo ngắn, ngắn, ngắn nữa vào… Mà tao cứ
nghe. Một hồi lại thế này. Khuya tao đang đọc sách bỗng thấy trên giường có
tiếng người vật nhau cười rúc rích. Tao ra vén màn lên. Mày biết thế nào không?
Lê Duẩn chơi gái. Tao ôn tồn nhưng mà nghiêm nghị nói thưa ông, ông có nhà có
cửa đàng hoàng sao lại phải đến nhà tôi, công an khu vực họ đến khám nhà thì
tôi khai quan hệ của tôi với ông như thế nào đây, quan hệ với cô gái thế nào
đây… Bỏ đi, Duẩn còn cúi chào. Tưởng yên ai hay lát sau lại tiếp dĩễn. Lần này
mở màn thì là Phạm Văn Đồng. Tao cáu quá, chỉ tay ra cửa buồng: “Ra khỏi đây
ngay! Gần nửa đêm sắp đi ngủ thì lại vật lộn như thế”. Lần này là thằng Hoa em
tao. Nó bảo có cái bãi tốt thế này cho em ruột mượn mà cũng ky? Nay tao khỏi
điên rồi mày bảo có hay không?
Chiến tranh chấm dứt, tôi nghe người trong Nam
đầu tiên khóc người thân chết trong thời gian xa cách hai miền là Sáng. Sáng
ấy, tôi ngồi nghe anh nức nở khóc, thảm thiết khóc đến nửa giờ, lá thư người
nhà mở trên tay cứ vật vã theo đà người anh rũ rượi. Trong gian phòng dài hẹp
như cái toa tàu bé nhỏ của anh. Má tao chết rồi… Giải phóng thì chết… Tao không
được chôn cất má, tao thương má tao lắm, tao muốn chết mày ơi… Sao má lại không
muốn cho con gặp lại mặt?
Anh khóc hồn nhiên, chân thành như một đứa
trẻ. Tôi bỗng thấy cái tình của anh với mẹ có lẽ sâu đậm hơn tôi. Khi nghe tin
mẹ tôi chết trong Hà Nội, năm 1951, tôi đang ở huyện Lâm Thao sống thực tế một
năm, (Hà Xuân Trường thì lên Hạ Hoà, theo kế hoạch rèn luyện lực lượng trẻ của
Tố Hữu lúc đó về làm Tổng biên tập báo Nhân Dân ra hàng ngày sau Đại hội 2 của
đảng). Tôi ra gian trái ngôi nhà gỗ làm trụ sở Đoàn thanh niên, một mình ngồi
trên càng cối xay thóc nhìn mưa tầm tã trên các tàu lá cọ mà khóc thương mẹ.
Khóc lâu. Khóc không muốn đứng lên nữa, tưởng chừng cứ thế này ngồi hết ngày
này qua ngày khác thì sẽ chuộc lại được tội đã xa vắng mẹ…
Thời kỳ này chẳng hiểu sao Sáng lại không
“xài” được Nguyễn Tuân, người mà anh vẽ cho chân dung ở trên một đĩa sơn mài.
Mặt Tuân như một cánh diều tủm tỉm cười bập bềnh giữa mấy cành dong nước. Anh
bảo tôi:
- Tớ cảnh cáo nó rồi. Tớ sẽ không bao giờ thèm
đến nhà nó nữa. Cảnh cáo cả nó rằng thằng cầm bút mà không viết được tiểu
thuyết thì đừng có mà nhận là nhà văn, như thằng cầm panhxô (cọ)
ấy, không vẽ sơn dầu thì đừng có nhận là làm panhtuya (hội
hoạ)
Trong Sài Gòn, cuối những năm 80, ngoài những
lần la cà ngoài phố, Sáng hay kéo tôi đến nhà Hoa, em trai anh ở đường Yên Đổ,
nơi anh ở nhờ đấy. Rượu suông. May ô, quần pi-gia-ma cháo lòng, mũ mỏ vịt mầu
xanh bạc hà bạc phếch và đôi dép Thái Lan đã nhão bét hết cả đế, nó vểnh lên
thành một đường gờ nhẵn thín ôm gọn lấy hai bàn chân thô to của Sáng. “Mày ngồi
đây, tao ra mua cái gì hả”. Lát sau về, hai điếu “ba số” và hai quả xoài xanh
trên tay…
Lần cuối cùng, sau đó cả mười năm tôi không
vào Sài Gòn, hai chúng tôi chia tay nhau gần Cầu Bông. Vừa đi con đường bên
dưới Cầu Sắt leo lên mặt Cầu Bông, tôi phảỉ rẽ về Võ Thị Sáu, Sáng khoát tay
chỉ về phía bên kia sông Nhiêu Lộc:
- Mai tao đến nhà bà chị tao cho tao ở cái xóm
rìa sông kia, trông lên cầu này, đấy… Ở đấy tao vẽ tốt lắm.
Cái bờ con kênh Nhiêu Lộc Cầu Bông anh chỉ tôi
bữa đó, chỗ gần Miếu Nổi, bây giờ thành con kè xi măng phẳng lì với những ghế
bàn cà phê trời. Bây giờ qua cầu này tôi thường nhìn về phía đó đoán ra cái
xưởng vẽ cuối cùng của anh nó nằm ở quãng nào. Hay là bị mất vào chung cư Miếu
Nổi có Tô Hải sống ở đó rồi. Và gần như chiều chiều đi ngang cổng trường Mỹ
thuật Gia Định, nơi cho anh vỡ lòng hội hoạ tôi lại nghĩ đến anh. Lại thầm nói
với anh: cậu chết rồi, Vạn Lịch mỗi khi có cái gì ngon nó đều để lên bàn thờ
cúng cậu đấy…
Tình cờ sau khi chia tay Sáng, tôi gặp Lưu
Công Nhân ở ngay Dakao. Kéo tôi đi chơi, ngồi chung cái Solex mà Nhân chỉ cho
nổ máy khi lên dốc cầu. Nhân bảo tôi bữa ấy:
- Cậu lẽ ra phải có cái ống tre ở tay…
- Sao thế?- Tôi hỏi.
Nhân nói:
- Đi rừng người ta vẫn đeo hai ống tre ở hai
cánh tay. Bị đười ươi nó bắt thì lúc nó sướng nó cười là mình rút tay mình
chạy. Sống với cộng sản ông không được thật thà mà. Ông bảo Đặng Tiểu Bình có
giỏi không? Nhờ có nhiều cái ống tre đeo vào tay đấy…
Sau này khi nhớ tới lần chia tay cuối cùng với
Sáng thế nào tôi cũng nghĩ tới cái ống tre lừa đười ươi của Lưu Công Nhân vì
hai việc tiếp liền nhau…
Lạ là nhiều khi nhìn Sáng nghiêng gò má cười,
tôi cứ hay nghĩ đến truyện Cuồng trăng (Mal de lune) của
Pirandello. Và nghĩ tới sớm hơn nữa, một đêm trăng sáng kinh người ở giữa chợ
Thất Khê vắng ngắt, đêm thứ hai sau giải phóng, tháng 10 năm 1950. Cả khu chợ
lô xô quán ngói chỉ có hai chúng tôi.
Bạt đã rải xong, Sáng quẳng ba lô lại bảo tôi:
- Mày coi cho tao, tao vào phố xem có điếm
không. Vùng địch hay có đấy. Lâu lắm không nhìn thấy nuy rồi…
Lát sau quay lại, cười độ lượng với chính cái
chưng hửng của mình, anh bảo tôi:
- Toàn lính đi tuần mà dân thì không ai biết
tiếng Kinh. Họ sợ chúng mình mày ạ… Tao gõ cửa mà có nhà họ ôm lấy nhau run lên
cầm cập.
Đêm ấy, hai đứa ngủ chợ. Mở mắt ra thấy sợ;
tôi đã sa vào một trận mai phục êm ả ở quy mô vũ trụ: không gian đang cho diễn
ra một cuộc loãng hoá toàn bộ ghê rợn. Ngủ quên đi, Sáng và tôi chắc chắn sẽ
hoá ra thành hai vũng nước trăng lênh láng…
Cuối năm 1972, lúc bom dữ nhất, Nguyễn Tuân
“chạy” đến ở nhờ phòng thường trực (có hai gian trong ngoài) của Hội liên hiệp
văn học nghệ thuật, 51 Trần Hưng Đạo. Một sáng lạnh rất đẹp, tôi đến. Thì thấy
Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng đang rượu suông trong gian phòng cạnh phòng thường
trực chỉ có mỗi cái giường xếp (đồ viện trợ của Liên Xô cho chín tỉnh bị lụt
năm trước) của Nguyễn Tuân. Tuân và Hồng gác hai bên cửa, Tô Hoài quay lưng vào
tường trong nhìn ra.
Thấy tôi Tô Hoài, Nguyên Hồng như hoạt hẳn
lên: có thêm người thì sẽ bớt bị Tuân cà khịa. Nhưng Tuân đã tay trên:
- Này, - anh bảo tôi - Nguyên Hồng nó nói nó
viết hồi ký trung thực lắm, ông đọc chưa? Nó ăn thủng nồi đồng nhà thằng Chu
Ngọc ở Hàng Đồng ngày xưa thế nhưng lại chỉ viết số nhà và tên phố, không dám
nhắc đến tên thằng Chu Ngọc. Lại viết là được nhân dân lao động lăng xê lên!
Con sen, thằng ở, anh xe nào đọc Ngày thơ ấu với Bỉ Vỏ hồi
ấy mà lăng xê lên? Sao không nói thẳng ra là Tự lực Văn đoàn?
Nguyên Hồng đập đập tay tôi:
- Này, Trần Đĩnh, tớ lại vừa làm một bài thơ
tình, tớ đọc cho nghe rồi tí nữa đưa về cho thằng Thép Mới hộ nhé.
Nguyên Hồng đọc được hai câu thì Nguyễn Tuân
giật giật tay tôi:
- Nghe thơ tình luỷ làm gì? Luỷ tay
chìa tiền tay tụt yếm…
Nguyên Hồng bậm môi lại, vểnh râu lên quay ra
sân. Tô Hoài ngồi tẩn mẩn tước cho kỳ hết các sơ trên múi quít khẽ nói:
- Thôi, nói chuyện viết làm gì.
Nguyễn Tuân quay phắt lại, chống hai quả đấm
lên hai đùi xếp bằng tròn, hớn hở như vớ được trúng đối tượng từ nãy cứ trốn mãi
đấu tố:
- A, nói kinh tế thì dốt, nói chính trị thì
sợ, nói viết cũng không nốt thì nói cái gì? Nói chuyện dế vậy nhớ?
Tuân đưa mắt đảo quanh, má đỏ bóng. Mắt kính
nhìn tôi loa loá lên một cái cười đang rung rinh ra cả đẩu ria.
Vừa lúc Nguyễn Cao Luyện thò đầu vào reo lên:
- Kìa, Trần Đĩnh.
Nhưng Tuân đã quay mặt vào. Luyện bỏ đi tức
thì. (Đến nhà Phan Kế An sau đó, Luyện phàn nàn mình thấy Trần Đĩnh thì vào xem
nó có tin gì đàm phán ở Paris không thế mà thằng Tuân hỗn quá, ngoảnh mặt đi…)
Mấy hôm sau Tuân cười bảo tôi, hôm nọ mình đùa
thế mà Nguyên Hồng nó giận, mình chào nó vờ không thấy.
Tôi không muốn bảo Tuân rằng mới hôm qua
Nguyên Hồng đến báo đưa bài thơ tình đã rủ tôi ra Gốc Liễu. Vừa lấy bia xong,
anh hỏi luôn:
- Cậu có biết trước Cách mạng tháng Tám, Tuân
có năm đứa bạn thân nhất là ai không? Là Lương Đức Thiệp, tờ-rốt-kít bị ta bắn,
hai là Tchya Đái Đức Tuấn cũng ta thịt, ba là Đoàn Phú Tứ, bốn là Vũ Hoàng
Chương, năm là Lưu Trọng Lư. Khi Tuân bị Tây phát vãng đi căng vì tình nghi Đại
Việt, Thiệp tặng Tuân một bài thơ làm toàn bằng đầu đề những cái Tuân đã viết.
Mày có thấy Tuân hé răng nói về những người này bao giờ không? Mà Tuân rồi rất
ghét Đoàn Phú Tứ. Tứ không đảng viên, mãi mới được cho vào Hội nhà văn. Hôm ấy
chả lẽ tớ vạch lại Tuân? Vạch lại hắn thì tớ ra cái gì?
Thật sự tôi chỉ thấy thương các anh. “Đời là
một đống cỏn con những bí mật”. Đã là bí mật thì giấu đi phỏng có làm sao?
Khổ nỗi là cái đống đó anh phải cung khai ra
để được chính trị hoá, ý hệ hoá và nhất là hồ sơ hoá rồi nó sẽ quyết định đến
vinh thân hay bại thân của anh. Và một khi ruột gan phơi bày ra đã thành món
thuế thân, đúng hơn, một thế chấp cơ bản nộp cho tổ chức thì bên cạnh trò giấu
giếm tất cũng khó tránh được khoản tô vẽ và khoản đoạn tuyệt với quá khứ thối
tha hay những thằng bạn. Tình bạn sao bằng được tình đảng? Bạn có thể hại nhau
còn đảng thì chỉ có cứu vớt mình.
Trong bữa bia đó, Nguyên Hồng còn nói anh đã
hỏi Đoàn Phú Tứ tại sao tóc đen nhánh mà râu bạc thì Tứ nói: “Tại cái nguyên lý
thực vật thôi. Chỗ nào mình bón phân tro nhiều thì xanh tươi, chỗ nào phân tro
kém thì nó cằn cỗi. Đầu tôi bón sách nhiều nên tóc tốt tươi còn mồm chả có cái
gì bón nên râu bạc”. Tứ còn báo trước đầu hắn rồi sẽ bạc hết đến nơi. Mình hỏi
vì sao thì hắn nói sách báo để đọc từ nay làm củi hết rồi, tem phiếu dầu không
đủ dùng cho hai bữa…
Tàn bia, Nguyên Hồng mới nói:
- Tuân như có ý tị với tớ ở chỗ tớ xuất thân
nghèo nên được chiếu cố. Thì hỏi tớ nghèo nhưng đâu có được là chủ tịch Hội như
nó. Mà nó đâu có bị
mất sổ gạo vì đi khỏi Hà Nội như tớ? Với lại
sao không tự hỏi sao không tham gia Văn hoá cứu quốc?
Dĩ nhiên tôi không kể lại với Tuân. Phải nói
tôi mến Nguyên Hồng hơn. Anh dễ bộc lộ mình hơn. Anh vào tôi từ lúc tôi còn
thiếu niên. Và anh chả đã cho tôi một nhận xét đáng quý sao? Mày là Tư Mã Thiên
nói thật nên bị họ thiến. Nhất là anh có thể ở ẩn, không danh tiếng… nhờ Nhà
nước. Giống Kim Lân.
Một hôm qua đầu hồ Thuyền Quang, trước khu vực
điện đài của Bộ công an, Nguyễn Tuân chỉ vào hai kè xi măng chạy ra giữa hồ hỏi
tôi có thấy hai cái kè kia không? Cái bên này, đấy, thì bộ trưởng ngoại giao
Ung Văn Khiêm bị Mao thò cẳng sang đá đít ngồi câu, cái kia, đấy song song nhau
đấy, thì đại sứ quan năm tình báo toàn Đông Nam Á của Liên Xô Séc- ba-cốp ngồi
câu. Bên này hễ bộ trưởng về vườn vì lỡ theo Liên Xô đầu hàng Mỹ câu được con
cá nào là bên kia quan năm tình báo lại rót vốt-ca ra rồi ngả mũ, nâng cốc chúc
mừng từ xa. Chính đám an ninh theo dõi hai cha nói với tớ mà. Ở sứ quán Liên Xô
còn cái cậu Padolsky nữa mới ghê, gần như phó sứ ấy, mình vẫn gọi hắn là “thằng
giặc” mà, sục sạo lắm. Nhưng anh em bảo sứ quán Tàu là đồng chí ruột của ta nên
như cá trong nước còn sục sạo dữ hơn Nga Xô nhiều.
Tôi không bảo Tuân chuyện Võ Nguyên Giáp cũng
sợ “thằng giặc” Padolsky. Một tối Giáp đến Phan Kế An chơi. (Tôi vẫn ngồi
chuyện với An trong khi Điện Biên, Hoà Bình, hai con bé của Giáp lấy ký hoạ ở
trên sàn, ngay dưới chân chúng tôi). Ai ngờ tình cờ Padolsky đã đến trước. Cầu
thang gỗ nhà An đến chỗ rẽ lên chiếu giữa thì nhòm vào đúng phòng khách.
Thấy “nước ngoài” (lúc ấy nước ngoài nguy hiểm
hơn “nước lạ” sau này), Giáp vội giật lùi, An chạy ra mời, Giáp dứt khoát kiếu.
Tôi bảo An: “Ở
Điện Biên, Giáp rất ngại cố vấn Trung Quốc,
dặn Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Đạo Thuý cẩn thận, các cố vấn đang xét ngặt lý lịch
anh em, kể cả tôi, nay lui khỏi nhà mày lại vì sợ lọt tai mắt Trung Quốc là an
ninh Hà Nội. Ai ngờ anh hùng lại bị yểm dữ đến thế!”
Hè năm ấy vào Sài Gòn, tôi hỏi Ung Văn Khiêm
chuyện câu cá Tuân nói. Khiêm cười bảo nào chỉ thế. Có lần Séc-ba-cốp mò đến
tận sau lưng mình rót hai li rượu bắt uống cạn. Có lẽ trêu an ninh ta. Sau đó
an ninh mời mình đến chất vấn lão nói những gì. Mình bảo, có mỗi độc đạo ông ta
chặn mất rồi, tôi không uống với ông ta thì làm gì? Nhảy xuống hồ à? Hồi ấy
công an ngày đêm bao vây nhà mình ở Cao Bá Quát, ai vào ra đều công khai ghi sổ
tay, cố cho trong nhà nhìn thấy.
Một trưa, theo lệ hàng ngày, tôi đưa Minh Việt
bị cổ chướng nằm bệnh viện Việt Nam-Cuba dạo một vòng phố quanh đó.
Chợt thấy Tuân đi với Nguyễn Văn Bổng ở trước
nhà Trần Độ ra phía ga. Thấy tôi, Tuân giơ can ngoắc sang. Tôi chỉ tay vào cái
bụng to tướng của Minh Việt lắc đầu. Tuân bèn kéo Bổng qua đường, bảo tôi:
- Mình vừa đi Liên Xô về. Này, có cô phiên
dịch tiếng Pháp đẹp đáo để là đẹp. Trước khi mình lên Léningrad, mình đưa tiền
cho cô ta bảo mua giúp cho mười bông hồng đại đoá, cô ấy bảo không mua hoa
chẵn, mình bảo thế thì chín đi. Hôm sau cô trao hoa, mình nói tôi xin biếu cho
một nhan sắc là cô. Cô ta reo lên cảm ơn rồi nói cộng cả bạn trai tôi thì nhà
tôi vừa đúng chín người, khéo thế.
Chắc rượu đang ngà ngà, Tuân nhành mồm nói
tiếp:
- Sau đó, mình lên Léningrad. Giám đốc khách
sạn gặp ngay, nói mười năm trước đồng chí đã ở buồng 312 này, nay lại ở đúng
đấy, đồng chí có thích không? À, thế ra họ theo dõi ngặt đáo để mày ạ. Nghĩa là
thằng nào sang đấy chửi bố chửi mẹ họ lên họ ghi vào sổ theo dõi hết. Nhưng tao
khác, je suis gentiment suivi - tao được yêu mến theo dõi.
Tưởng đùa đấy hả? Này, một dạo ai sang đó cũng phải xổ ra một tràng lạp xường
xúc xích Mao để trong nước còn cho đi nữa mà mua xích xe với quạt tai voi, bàn
là xét lại chứ. Đấy, một lần Tố Hữu gặp mình giữa đại sứ quán đã kêu lên: “Ô hay,
giáo điều, xét lại gặp nhau ở tại sào huyệt xét lại kìa!”. Một dạo thừa thắng
xông lên lắm.
Nói xong, Tuân ngoắc can một cái chào rồi qua
đường, sang đúng cửa nhà Trần Độ lúc ấy chưa “chống đảng” mới rẽ về phía ga.
Còn một chuyện Tuân nói tôi cũng thích. Tuân
đi với Tế Hanh thăm mộ Tchekhov. Đặt cho ông nhà văn này một bông hồng trắng,
còn một bông hồng đỏ Tuân cầm tay, Tế Hanh bảo để cho ai? - Người này ông không
thích viếng thì thôi. Thế là cậu ta bảo tôi ra cổng chờ nhé. Còn mình đến đặt
bông hồng đó lên mộ Khruschev. Thầm bảo ông ta rằng giá như ông hiểu thấu hơn
bụng dạ các đồng chí ở Bộ chính trị…
Thế rồi Tuân khiếm lễ với tôi.
Muốn tôi vượt rào những phân, lúa, lợn, Thép
Mới bảo tôi phê bình Vũ Bằng trong Sài Gòn viết kỷ niệm một năm bom Khâm Thiên
gì mà chỉ thương xót bóng ma những em Huệ, em Hồng, em Cúc xưa nào… Đưa in bài
của tôi có tít Tiếng chát tom át tiếng bom,Thép Mới thêm vào đúng
hai chữ “che tàn” vào trong bài, không bảo tôi.
Tuân không thích tôi đả cái thú chát tom, và
nhất là đả Vũ Bằng rồi lại còn “cạnh khóe” Tuân chuyên đi hát boóng chơi ké
(che tàn), điều mà tôi không biết. Tuân nói với Lửa Mới và mấy người:
- Tay này đang muốn chuộc tội đây.
Kể lại với tôi, Lửa Mới lắc đầu:
- Chơi với cha Tuân này như đi trên dây ấy mà.
Thép Mới bảo tớ là nó cho hai chữ “che tàn” vào bài cậu để ghẹo Tuân tí ti.
Tôi không thanh minh với Tuân. Tôi biết mang
tội danh lật đổ, chống đảng thì tôi khó mà giữ nguyên được dung mạo bạn bè.
Bao nhiêu năm quen biết Tuân, tôi chưa bao giờ
kể cho Tuân (cũng như Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Sáng, Trần Lưu Hậu…) nghe chút
nào các tội nợ cùng trừng phạt cụ thể đảng chụp vào tôi và gia đình tôi - bố
vợ, vợ, Trần Châu. Lỡ nghe Tchekov: Đừng luôn vạch cái nhọt ở mông mình ra kêu
đau với mọi người… Tôi biết với thành tích đi căng mà không được tính là cách
mạng, Tuân đã khoanh một vùng biên cấm vượt - để ngầm chia một mình động từ sợ
- trong “lĩnh vực chính trị”, lĩnh vực mà Gorki đã nói với bố nhà thơ Nga
Vladimir Pozner là “thối tha và dối trá”.
Không thanh minh, tôi cũng không cho Tuân hay
ngay sau bài báo đó, Côn, chuyên viên Vụ bảo vệ đã đến báo nhắc Thép Mới và tôi
là tôi không được viết gì ngoài lúa lợn phân bèo.
- Tao muốn để mày viết cái gì cho bõ bèn -
Thép Mới bảo tôi - biết đâu mày lại bị ngặt đến thế. Mà tao nghe đâu thằng Vũ
Bằng là mình cài vào.
Khi Tuân chết, tôi ở Sài Gòn. Diệp Minh Châu
mời mấy người, bà Mộng Tuyết, Trần Văn Giàu, Trịnh Công Sơn, Đỗ Hải, vài anh em
và tôi. Truy điệu, ăn uống ngay bên cạnh bức tượng đầu Tuân mà Châu vừa nặn
xong. Xù xì một mũi tàu gạt gió rẽ sóng. Như một khối nguyên sơ chưa qua cải
tạo, xây dựng.
Nhìn thần khí phơi phới của bức tượng, tôi
chợt mơ hồ thấy có lẽ đây là cái coda (đoạn kết bản nhạc) Tuân
cần có để kết được đầy đặn con người. Nhạc khúc Tuân nghe cứ thấy dang dở có lẽ
vì thiếu nét cả quyết sóng gió này. Sau đó nghe Lê Đạt nói hình như Tuân tự
sát, tôi giật mình. Cái coda tôi chờ đợi nơi Tuân từ từ hiện
lên rõ ở cuộc xông pha vào cõi chuộc lại mình không biết là thật hay đồn kia.
Trong tối truy điệu ấy, bà Mộng Tuyết kể
Nguyễn Tuân sau này gửi thư thường ký Hàn Sĩ Đỏ vì Tuân rất thích cái tên mang
ba yếu tố kẻ sĩ, nghèo và cộng sản. Tôi bâng khuâng nghĩ: “Phải chăng Tuân nói
cộng sản để thay cho chữ hèn?”
Một sáng 1-1 đẹp trời, “mừng năm mới may ra sẽ
được mới thật”, Tuân hẹn tôi đi ăn sáng. Hai đứa dắt xe tới trước cổng Nhà hát
nhân dân, đúng chỗ Trần Dần tối nào bảo tôi “con lừa này không ưa nặng” thì
Tuân cúi xuống kẹp cái kẹp mạ kền vào gấu quần ống sớ màu đen đã bạc và chỉ vào
chiếc xe của anh hỏi:
- Đố ông năm mới xe tôi mới ở chỗ nào?
Tôi chăm chú nhìn. Vẫn cái khung Pháp bong hết
sơn, vẫn đôi phanh Tây “ăn như ngoạm chặt lấy đùi mình thế này”, vẫn đôi vành
Tây Mavic, chiếc đĩa và đôi pê-đan Durax… (“Phải toàn đế quốc phụ tùng thế này
mới phục vụ mình tốt được!” - Tuân từng bảo tôi).
Tôi nói không thấy gì mới cả.
- Ông không làm chính trị được. - Tuân nói,
lắc đầu leo lên xe. - Lẽ ra liếc là phải thấy tôi sắp xếp nhân sự cho nó công
phu như thế nào rồi. Lốp bánh sau trọc sư cụ cho lên bánh trước, lốp bánh trước
còn rãnh cho tụt xuống bánh sau. Nâng cao năng lực cho bộ máy đến thế mà ông
không thấy!
Lên xe, Tuân nói tiếp:
- Lại chuyện xe. Gần đây ông có thấy hệ xe Nhà
nước có thêm gì mới không?… À, một loạt chừng một chục chiếc xe ba bánh, thùng
vuông kín mít màu cổ vịt bóng nhoáng. Quan xa, không, kiêu xa đấy. Tôn Thất
Tùng hắn bảo là đi đường hễ thấy thằng ấy thì leo ngay lên cây không què chân
có ngày. Có mỗi nhiệm vụ sáng sáng chở gà sống thiến, giò chả, cá lươn, phó
mát, bơ, xúc xích… phóng thật nhanh đến nhà từng ông Bộ chính trị, quay
đít, lùi a-la-de, tuồn tú ụ vào, ăn hay không
mặc kệ, tài đây bất biết. Vậy đi đường nhớ nhắm trước cây để leo lên đấy nhá…
Sáng ấy, ăn mằn thắn ở nhà hàng quen Tuân, tại
gần ngã tư Lý Thường Kiệt - Quang Trung. Vào gian trong. Hai tràng kỷ tre. Một
cửa sổ nhỏ có rèm bằng vải màn trắng phe phẩy nhìn qua thấy nhà máy cơ điện bên
kia đường, một dãy tường dài của nó luôn có người - thường là các bà, các cô
quang gánh - dừng lại trật quần làm trận đái bõ bèn buổi sáng. Tuân lấy ra chai
Camus dẹt, bên dưới nhãn nó Tuân đề câu “Créer, c’est donner une forme à son
destin” (Sáng tạo là cho số phận ta một hình thù) của Camus mà Tuân
viết lại rồi đem dán vào. “Pas d’ Albert - không có Albert Camus,
chỉ là Vân thôi”, - Tuân nói.
Tuân vặn nắp chai. Cái nắp mầu vàng ngả đỏ
đồng điếu có những hoạ tiết cành lá đen li ti, kiểu trang trí cung điện, nhà
thờ Tư-lạp-phu. Tuân rót rượu vào nó đưa tôi:
- Ông uống bằng cái calice này
(cốc đựng rượu cúng) cho tôi… Anh mưu thuật với anh chân chất đều chẳng ra gì.
Anh mưu thuật thì mệt óc, anh chân chất thì mệt đời…
Rồi hơi cúi về đằng trước im lặng.
Một chuyện khá rồ của Tuân nên nhắc lại.
Tối ấy, 16-2-1966, một thiếu tá không quân -
tên Tưởng hay Tường, nhật ký tôi mờ mất cái dấu - nói chuyện về không quân ở
Hội văn nghệ 51 Trần Hưng Đạo. Chê hết Mỹ, Liên Xô, chỉ còn Trung Quốc và ta
nhất hết. Tên lửa Liên Xô? Ồ, thứ pháo thăng thiên này Trung Quốc chơi từ lâu
rồi mà. Được cái là ông anh chúa hay run này cho ta tin về các chuyến Mỹ xuất
kích vào ta, bao nhiêu máy bay, số mấy, phi
công nào ở máy bay nào, sở trường sở đoản từng đứa…
Ngồi hàng trên, Tuân quay lại nháy tôi, hai
chúng tôi bỏ về. Mưa nặng hạt. Chúng tôi dắt xe lên tận cà phê Lương.
“Chán chả muốn leo lên xe”, - Tuân nói.
10 giờ đêm lại dắt xe đi về tận đầu ngõ vào
Tuân. Bắt tay tôi, Tuân nói:
- … Buồn nhỉ. Đi nghe mưa đêm dầm dề các con
phố còn hơn nghe những tinh hoa trí tuệ minh hoạ cho các nghị quyết mà rút lại
chỉ có một vận động duy nhất là ca ngợi đồng chí có nốt ruồi.
- Có thế đồng chí mới cho súng. C’est
pas gratuit ces choses grondantes, - các của gầm thét ấy không dưng mà
có.
***
Một sáng vào Việt Xô khám bệnh, tôi gặp Tô
Hoài nằm chữa thần kinh tim. Anh cho hay một tên tuổi văn nghệ vừa bị cô nhân
tình nộp Tố Hữu bức thư cha này gửi cô nói (đại y) không gặp cô theo hẹn được
vì lão cha cố bắt lên nghe giảng đạo. Tô Hoài mở sắc lấy bức thư ra làm tin:
“Tớ là bí thư đảng uỷ nên xừ Lành đưa xuống để giải quyết. Cô nhân tình tức vì
bị chàng đưa vợ tới nhà giáo dục nên gửi nó cho cha cố Tô Lành!”.
Tôi cầm thư đọc…
Vừa lúc ấy, Chế Lan Viên đi vào. Anh bảo tôi:
- Này Trần Đĩnh, mình bị cái này lạ lắm. Ngọt
với mặn bây giờ đếch phân biệt được.
Tô Hoài tưng tửng: - Ăn thử một thìa cứt mà
không phân biệt được thì phải chữa thật.
Chế cười gật gật như nhận rằng Tô Hoài nói xác
đáng quá.
CHƯƠNG 37
Mười sáu năm sau Đại hội III, đảng họp Đại hội
4 (1976). Kết thúc thời kỳ vũ trang với cả nước quy phục đảng và Liên Xô đàng
hoàng vào Đông Nam Á, Trung Quốc vớ bẫm: với địch thì thay Đài Loan ở Thường
trực Bao an Liên hợp quốc, với đồng chí thì thay thế chủ quyền Việt Nam ở một
phần lãnh thổ.
Máu Việt Nam mới có sức dịch chuyển địa chính
trị mạnh mẽ và quý giá làm sao!
Sau Thế chiến 2, tồn tại hai phe đã đẻ ra cục
diện chiến tranh lạnh với ba lò lửa chiến tranh là ba nước bị chia cắt (chưa kể
lục địa Trung Quốc với Đài Loan mà một dạo Mao vờ như khiền đến nơi). Cộng sản
ở ba nơi này đều phụng thờ bạo lực vũ trang nhưng chỉ hai nơi quyết chủ động
tung quân đánh trước.
Cục diện đã đi tới:
- Cộng sản Hà Nội thắng - sau hàng chục năm vũ
trang mang tên “chiến tranh cách mạng” hay “giải phóng” (hoa lá cành che đi
phương châm “chính quyền ra từ nòng súng”) với hàng trăm nghìn chiến binh vừa
cài lại vừa xâm nhập hoạt động ở trên đất địch và bom đạn hai bên bắn nhau là
của đế quốc và cộng sản cung cấp ê hề.
- Cộng sản Bình Nhưỡng cũng từng dùng nòng
súng nhưng thất bại để rồi bằng lòng hoà bình theo ý của “kẻ thù” tức Nam Hàn
dù hàng chục nghìn quân Mỹ đồn trú ở đó hàng chục năm và chỉ huy luôn cả quân
Nam Hàn. (Chú ý: Mỹ không chỉ huy quân đội Sài Gòn).
- Và cộng sản Đông Đức, với tư cách hàng binh,
tự nguyện ùa sang chiếm luôn “đất địch” Tây Đức đầy ắp Đê mác. Bằng nhân phẩm
cao, mức sống cao, Tây Đức tư bản sáp nhập trong nháy mắt Đức Cộng và nước Đức
thống nhất bèn thành tảng nam châm hút bong mất Đông Âu.
Đâu phải chiến tranh cách mạng với mục tiêu xã
hội chủ nghĩa ở ngay trước mắt như đảng vẫn xa xả rao giảng là xu thế phát
triển trội.
Và nên chú ý: các nước Đức, Nhật, Nam Han…
hiện đều có đầy quân Mỹ nhưng không ai gọi họ “chó săn tay sai Mỹ” như gọi Sài
Gòn hồi nào để tiêu diệt. (Cũng cần chú ý nữa: nói cách mạng Tân Trào cùng từng
có binh lính Mỹ - và chỗ giao du hơi có chất “chuông nguyện hồn ai” này chắc Hồ
Chí Minh đã phải giải thích chật vật với Mao, Xịt-ta-lin)
1972, Mỹ “cút” nhưng nguỵ “chưa nhào” nên
1975, Hà Nội phải nổ súng tiêu diệt chúng để cuối cùng thắng Mỹ vẹn toàn bằng
màn thắng… Mỹ vắng mặt. Màn này rất quan trọng. Này nhá, quyết tâm diệt Mỹ của
Đảng cao chưa? Và như thế là Đảng không hề nội chiến, vâng, “người Việt Nam
không ai thắng ai” mà, Đảng đã nói. Cho bọn “chó săn tay sai” đi cải tạo cũng
là mượn hình hài chúng để cải tạo linh hồn Mỹ vắng mặt thôi!
Thắng lợi cuối cùng đã để lộ ra hai bản ngã
của dân tộc Việt! Một được Đảng dạy cho nên biết yêu nước đúng bài đúng vở Quốc
tế vô sản rồi thành anh hùng đánh đâu thắng đó, một do thiển cận quốc gia nên
phải làm “chó săn bán nước tay sai” rồi thua hèn thua hạ.
Chung quy tại Mẹ Việt Nam có hai buồng trứng -
dị dạng hơn Mẹ Âu Cơ chỉ có một - cho ra đời cả chiến sĩ Việt Cộng lẫn “nguỵ
quân bán nước phản động”.
Có lẽ đã đến lúc thống kê xem có bao nhiêu mẹ
Việt Nam mang song thai quốc gia và cộng sản tương tàn tương diệt và bao nhiêu
mẹ đơn thai đẻ ra thuần “anh hùng” hay thuần “nguỵ” giết hại nhau. Đến hơn 50%
không? Nếu thống kê xin chớ bỏ sót mẹ tôi! Cả bà mẹ đẻ ra tổng đốc Phan Đình
Hòe và chánh tổng “bạt nhĩ bẹp tai” Quế - Nguyễn Tuân rỉ tai tôi, khoái trá vì
cũng từng đều dân pum - là bố của Lê Đức Thọ.
Xưa ông bác tổng đốc đã chạy chọt phần nào cho
anh em Sáu Thọ ra tù đế quốc Pháp thì sau này Thọ giúp lại cho con cháu ông ung
dung bỏ Sài Gòn đã vào tay cộng sản để ra ngoài định cư sớm sủa, tiếp nối huyết
thống song thai. Và bà mẹ của Võ Nguyên Giáp. Em gái ruột Giáp lấy trung tướng
“nguỵ” Nguyễn Ngọc Lễ, ngày 30-4-1975 bỏ Sài Gòn chạy sang Mỹ đã nghĩ gì về ông
anh cộng sản đang thần tốc tung quân truy sát lính quốc gia… Ôi, ai làm cho
những đứa con của các mẹ Việt Nam chĩa súng giết nhau?
Non sông gấm vóc Đảng thu về một mối cho mình
- hay mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa cho cả phe, rồi Đảng trịnh trọng tuyên
bố “người Việt Nam không ai thắng ai”.
Song nói ù xoẹ thế để “yên dân” đấy! Vì theo
đúng nguyên lý trí tuệ đầu sổ của Đảng thì cứ phải duy trì bằng được ranh giới
địch - ta! Cho nên xoá được giới tuyến phân chia địa lý Bến Hải, bèn vội vã
thay cho nó bằng một giới tuyến phân chia sinh học dễ xúc động lòng người - ấy
là suy tôn Bà mẹ anh hùng, vạc ra ở trên mặt Mẹ Việt Nam một mảng vẻ vang - và
dĩ nhiên một mảng nhục nhã hay những đứa mẹ đẻ ra các nguỵ quân, nguỵ quyền,
tay sai Mỹ lùng giết con các Bà mẹ anh hùng! Rồi nói đại: “Không có ai thắng
ai, chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ”. Thế sao không gọi ráo tất cả Mẹ anh
hùng?
Năm 1998 tôi đã nói với nhà báo Mỹ Kevin
Whitelaw ở tờ US News and World Reportrằng để dân thường xuyên nhớ
đến sự nghiệp đánh Mỹ do Đảng khởi xướng, Đảng đã vạc nên một vết thương ác độc
trên mặt Mẹ Việt Nam.
Đúng ra là mánh chia để trị quen thuộc của
cộng sản. Trong dân thì công nhân tiên tiến nhất, nông dân trung gian, trí thức
lạc hậu (nên không bằng cục cứt). Trong nông dân thì bần cố nông tích cực,
trung nông dao động và phú nông thiên về phản động. Ngay đảng viên cũng còn
chia đảng viên ưu tú, trung gian và lạc hậu!
Có lẽ nơi duy nhất không chia tiên tiến với
trung gian, lạc hậu là Trung ương đảng. Tuy bụng cũng ngầm phân loại xếp hạng
cho nhau cả.
Theo Tổng tập luận văn của Võ Nguyên Giáp, sau
Điện Biên Phủ, về An toàn khu, Giáp đến chào Hồ Chủ tịch. Chủ tịch ôm Giáp nói:
“Chúc chú thắng trận trở về, nhưng chúng ta còn phải đánh Mỹ”. (tôi nhấn).
Tôi đọc và hơi buồn. Tôi đã ngỡ Bác nói: Chúng
ta sẽ phải đối đầu với Mỹ nhưng hãy gắng thống nhất hoà bình, dân ta chín năm
chiến tranh đau khổ quá đi rồi!
Thế là vừa từ nô lệ bước ra dân ta đã bị Đảng
nhét thanh gươm Giải phóng vào tay. Giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng
giai cấp và loài người, làm một cuộc tiến quân thường trực và trường kỳ. Đi đời
sức dân ơi hỡi sức dân!
Muốn gì tôi vẫn muốn nêu câu hỏi mở đầu: liệu
Việt Nam có thể tự trị năm năm ở trong Liên hiệp Pháp rồi tiến tới độc lập
không? Nên biết Pháp giải chế độ thuộc địa chính là trong thời tổng thống de
Gaulle chứ đâu phải như CB tức Hồ Chí Minh viết trên báo: đế quốc đánh chết vẫn
không chừa cái nết chiếm hữu thuộc địa. Thôi, nói xa chả bằng nói gần: sao
không học Bắc Kinh nán chờ để thu hồi hoà bình Hồng Kông, Macao và cả Đài Loan?
Hay sao không như Nam Hàn nhìn các đồng bào suy nghĩ khác mình, yêu nước khác
mình là anh em cốt nhục để cùng bàn bạc và cưu mang cứu đói chứ không là kẻ thù
phải diệt? Hay, ừ nhỉ, sao không nghĩ được như Đặng Tiểu Bình: một quốc gia hai
chế độ? (Kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa chính là con đẻ
không che giấu nổi của tư tưởng Tito đời mới này. Thập niên 40, 50 thế kỷ trước
chửi nó dữ lắm!)
Kỷ niệm trăm năm ngày sinh Lê Duẩn, 10-7-2006,
(nhưng sau báo chí lại công bố là ngày 7-4-2007. Mới một tí đã hai dị bản). Lê
Đức Anh có bài ca ngợi Lê Duẩn giỏi chọn thời cơ hạ thủ Việt Nam Cộng hoà. Theo
Anh, Duẩn cho rằng để Sài Gòn thực hiện Việt Nam hoá thì “nó sẽ mạnh lên và ta
khó đánh đổ”.
A, đâu phải vì Sài Gòn phá hoại hiệp định
Paris! Mà là vì đừng hòng ông cho chế độ chúng mày ưu việt.
Một trí thức bảo tôi: Đầy một kho các lưỡi
Ê-dốp, các ông rất giỏi dựng kẻ thù để căm thù và tiêu diệt. Nghe nói cứ thấy
cứt Sài Gòn là chó Hà Nội nổi đoá liền! Còn khi được một tủ lạnh đã mất động cơ
để làm trạn thì người Bắc vui. Rồi tự hào “giỏi kết hợp thô sơ với hiện đại!”
***
Trong Báo cáo chính trị Đại hội 4, Lê Duẩn
đánh giá thắng lợi như sau: đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc
đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng (tức chủ yếu Việt Nam, Trung Quốc, Liên
Xô) đã đẩy lùi trận địa đế quốc, mở rộng trận địa xã hội chủ nghĩa (xin chú ý :
then chốt đây. Một cách nói nữa là đẩy lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận chủ
nghĩa đế quốc), phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á
(phòng tuyến SEATO này sau đổi ra là ASEAN), làm đảo lộn chiến lược toàn cầu
phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy.
Về miền Bac, ông nói: “Thành tựu to lớn nhất
là đã thủ tiêu chế độ người bóc lột người (…) Các giai cấp bóc lột đã bị xoá
bỏ…, người với người sống có tình có nghĩa, đoàn kết, thương yêu nhau cùng với
“vô sản chuyên chính được củng cố” (…) “hệ tư tưởng và nền văn hoá xã hội chủ
nghĩa được đặt trên những nền móng vững chắc”… (Báo cáo chính trị Đại hội lần
thứ 4, NXB Sự Thật, 1977).
Lê Duẩn cũng thông báo thời kỳ hậu Việt Nam là
thời kỳ chủ nghĩa xã hội xuất hiện thành mục tiêu đấu tranh trực tiếp (tôi
nhấn) của tất cả các nước trên thế giới. Ngụ ý: công ông mở giai đoạn cho cách
mạng to chưa?
Nhưng hiện thực Việt Nam luôn bố láo như cố
hĩ! Nó ngược lại Duẩn hoàn toàn! Phe xã hội chủ nghĩa tan, không còn ai cho
súng, cho tiền, cho khoa học quân sự và cho tin tình báo ở phạm vi thế giới để
làm “tiền đồn”
đùng đoàng nữa, sức mạnh binh khí của Việt Nam
suy yếu hẳn. Việt Nam bị cô lập kín mít, không mở ra nổi chuyện gì, trừ sáu
tỉnh biên giới bị quân anh em chí cốt tràn vào dạy bài “thuỷ chung”.
Đặc biệt đáng chú ý: Đại hội 4 là Đại hội
thắng Mỹ nhưng Trung Cộng không gửi đại biểu đến dự. Thế đấy, ông anh cú!
Đã hứa với Mỹ không cho domino ở vùng này thì
chú em cứ domino! Ngày nào nó theo mình đánh Liên Xô ra trò thì nay nó trở cờ,
cam làm “Cuba ở phương Đông” mở cửa cho Liên Xô vào Đông Nam Á bao vây mình.
Và nhân đang thời trăng mật với Mỹ, Bắc Kinh
đánh luôn Việt Cộng để thanh minh mình không xúi Việt Cộng xé hiệp định Paris
chiếm Sài Gòn.
Mãi tôi mới thấy trong canh bạc với Mỹ, người
ta toàn xì tố bằng máu Việt. (Nhắc lại: máu Việt Nam có sức dịch chuyển quý
giá). Báo Time đăng ảnh các hộp đèn quảng cáo Coca Cola, Big Mac… lần đầu tiên
hiện ra rực đỏ ở dọc Bund Thượng Hải, Thành Đô, Khai Phong… cuối những năm 70
với dòng chú thích “Đông phương lại hồng”. Tôi xem thấy ở mỗi hộp đèn đỏ hình
như còn có thon thót ánh máu Việt.
***
Sau đại hội 4, tôi đến Nguyễn Thành Long. Anh
nói Chế Lan Viên dự đại hội về hơi buồn. Không vào Trung ương mặc dù Tố Hữu hết
sức đùn vào. Đồn là vì có đại biểu Bình Định đến đại hội nhận ra Chế Lan Viên
xưa đi ủng Nhật, thắt khăn mặt trắng to quanh cổ hô ủng hộ Đại Việt thân Nhật.
(Xin nói thêm cho công bằng: nếu có thế thì Chế cũng đâu bằng Phạm Ngọc Thạch
được Nhật cấp hàng nghìn cây súng cho Thanh niên Tiền Phong?)…
Long nói Chế Lan Viên bảo đại hội có chất vấn
Trung ương vụ xét lại, yêu cầu tổng kết vụ án… Rồi lắc lư mái tóc rậm đẹp, khẽ
thêm:
- Có vẻ Chế muốn qua tôi đánh động với ông
hình như sắp có cái gì với ông.
Tôi không để ý mấy.
Thì đùng một cái, chi bộ họp bất thường. Biểu
quyết khai trừ tôi. Màn kịch để nói kỷ luật là theo đúng nguyên tắc tư chi bộ.
Nửa tháng sau, Trọng, vụ trưởng Ban kiểm tra
trung ương và Trần Trung Tá, vụ phó bảo vệ đến triệu tập tôi họp. Bí thư đảng
uỷ và Hữu Thọ, trưởng ban kiêm bí thư chi bộ ban nông nghiệp cùng dự. Hữu Thọ
ngồi đúng trước mặt tôi.
Trọng đọc nghị quyết khai trừ. Số 271 hay 171,
73 gì đó, (chả thiết lục sổ tay ra xem lại). Ngô Thuyền, phó trưởng ban kiểm
tra ký. (Thuyền có con gái tên là Bè cùng học ở Trung Quốc với tôi, bé nhỏ,
ngoan).
Nghị quyết viết:
Tội danh bao trùm: Trong tổ chức xét lại,
chống đảng, lật đổ, gián điệp, tay sai nước ngoài. Ở dưới nói rõ: Thuộc nhóm Vũ
Đình Huỳnh, Minh Việt. Và ba tội trạng cụ thể:
1. Phủ nhận mọi đường lối, chính sách của
Đảng, nhất là đường lối kháng chiến chống Mỹ;
2. Lăng mạ lãnh tụ giai cấp, lãnh tụ dân tộc
Hồ Chủ tịch;
3. Chuẩn bị viết tiểu thuyết chống Đảng.
Tổng kết hỏi cung tôi, Ban tổ chức trung ương
không hề kết luận tôi ở trong “tổ chức chống đảng, lật đổ”. Vậy là theo điều lệ
Đảng tôi có quyền khiếu kiện.
Nhưng tôi cho qua.
Chỉ thanh minh:
- Nói tôi lăng mạ Hồ Chủ tịch là không đúng…
Tôi nói những điều không phải về Bác cũng như đứa con có khi bực mình nói bố.
Tá cười rất thú vị (như đã chuẩn bị sẵn bước
này):
- Đây, có bằng chứng, để tôi lấy.
Miệng nói tay mở cặp da. Tôi vội nói:
- Thôi, thôi, tôi đồng ý.
Tôi chợn. Đã có bài học của Lưu Cộng Hoà ở Ban
nghiên cứu lịch sử Đảng: anh bị phó ban vốn là bí thư tỉnh Kiến An phang cho cả
một cái gạt tàn pha lê nửa ký vào mặt. May có cặp kính lão che. Hữu Thọ có thể tái
diễn trò “A, thằng phản động dám lăng mạ Bác chúng tao” mà tặng cái gạt tàn
thuốc nửa ký pha lê Tiệp kia vào đầu tôi lắm. Tôi bèn đưa hai tay ôm thóp, vẻ
suy nghĩ. Tiệp Khắc hồi ấy tặng ta toàn đồ pha lê để “khôi phục kinh tế” sau
1954. Cơ quan nào cũng đầy gạt tàn pha lê tuy đều chủ yếu hút điếu cầy.
Trọng hỏi:
- Anh Trần Đĩnh có ý kiến gì không?
- Không, việc của Đảng mà.
Tôi ngạc nhiên nghe cái giọng tôi dửng dưng.
Còn tiễn Trọng và Tá ra tận gốc đa cơ quan như chủ nhân vậy. Bỗng nhẹ tênh. Hê
luôn cả cái quyền pháp lý tối thiểu của đảng viên ghi trong điều lệ: đảng viên
bị kỷ luật khai trừ được dự các cuộc họp kiểm điểm và đề xuất kỷ luật với đảng
viên. Tự nhiên đọc thầm thơ Thế Lữ thích từ ngày thiếu niên: “Đã quyết không
mong xum họp nữa, Bận lòng chi lắm phút chia phôi…”
Đã có lúc tôi khá xấu hổ vì bị khai trừ. Nhưng
rồi lành lặn khá nhanh. Nhờ cái gì? Nhờ - xin hiểu cho là tôi không bịa đặt ở
đây - nhờ tôi nhớ lại câu nói của ông tham tán thương mại Ba Lan tháng 6 tháng
7 gì đó bị sốt xuất huyết nằm chung phòng ở Khoa lây Việt Xô với tôi năm 1970
(danh thiếp ông đưa đã mất): “Giá nước chúng mày ra ở tít giữa Thái Bình Dương
rồi mọi người xúm lại cung cấp mọi thứ cho chúng mày sống riêng với nhau thì
thế giới đỡ mệt. Chúng mày phá quấy quá!”. Cũng một kiểu khai trừ! Ra khỏi nhân
loại.
So với xấu hổ của Đảng trước toàn thế giới thì
xấu hổ của tôi ở cơ quan chỉ bằng con muỗi mắt?
***
Fin de partie - tên một vở kịch của
Samuel Beckett: Hết ván, rời sòng.
1947, ở thôn Mè, Ninh Giang, nơi mẹ tôi và anh
em tôi tản cư tới, tôi đã được bí thư Mậm nhắm kết nạp. Đã một sáng lên huyện
uỷ làm cái việc mà nay có lẽ gọi là “phỏng vấn”. Tuổi mười bảy, lại thêm tung
tích ông bố mịt mùng, nên chỉ chuyện trò vụn vài câu. Không vinh quy trở về,
tôi lên cơn sốt rét, run cầm cập đi giữa thảm gấm vàng: đê bối bời bời hàng cây
số toàn tơ hồng chín tới. Tôi và Mậm rất thân nhau. Tôi thường ở nhà anh,
thường gặp cô cháu ruột của anh, T., con gái đầu lòng ông chủ tịch xã Hồng Lạc,
rất mỏng mày hay hạt, thuộc loại dễ thành Ỷ Lan. Tình cảm lúc đó với Đảng gắn
cùng mối thiện cảm với cô gái hay liếc trộm tôi rồi đỏ mặt. Lúc ấy tôi đã kén
được một đối tượng điển hình để tập dượt đấu tranh ý hệ: sư cụ Chùa Mè. Bốn
chục tuổi, trắng hồng, môi đỏ, giỏi võ - huấn luyện cho dân quân du kích xã.
Phải cái tội mù.
Cụ dạy tôi đánh đàn nguyệt - nhà tôi trú ở
chùa - và trả ơn thì tôi lên lớp phê phán tôn giáo, nhất là đạo Phật, thuốc
phiện đầu độc người lao động. Chủ nghĩa cộng sản hay nhất! Giải phóng dân tộc,
giải phóng thế giới, giải phóng con người. Sư cụ chỉ cười, răng rất bóng (cụ có
một thanh tre hình bơi chèo, đầu to đập rập suốt ngày lia cọ răng) nhưng một bà
vãi cãi lại, làm tôi rất khó chịu. Chồng đi lính sang Pháp đóng tới bếp, bà quá
mê sư cụ. Nhoáng cái bà đã vào buồng sư cụ.
Mười ba năm sau, ở Bắc Kinh về, tôi trở lại
Mè. Cảnh xưa mà người khác quá. Cải cách ruộng đất, Mậm bị quy là Quốc Dân
Đảng, bị tù. Sửa sai về nhà ít lâu chết. Vợ anh bảo: “Phẫn quá mà vỡ tim, vỡ
toang như quả bóng ấy, chú ạ. Hai anh em chủ tịch với bí thư cùng bị gông cổ
điệu đi”. Cô cháu gái lấy người chồng thứ hai nghe đâu bị nó đổ tim la cho rồi
chết. Sư cụ Chùa Mè bỏ đi đâu không biết. Dắt cụ đi là người đàn bà cười cứ ròn
khanh khách mỗi khi vào buồng cụ ngày nào. Tôi thầm nghĩ nếu lúc ấy đứng tuổi
có thể tôi cũng bị đổ vì đôi mắt lênh láng ướt sau hai hàng mi dài mượt làm xây
xẩm cả người đàn ông trước mặt. Nhưng sư cụ không biết đôi mắt ấy và bà cũng
chẳng cần người tình mù biết mình ra sao. Tình yêu này vô tư nhất.
Nhìn địa hình rêu mặt sân gạch và mốc ở thân
cây cau mẹ tôi thường vịn vẫn như xưa, tôi muốn khóc. Ôi, con người, sinh vật
mong manh nhất! Sư cụ có lúc nào nghĩ đến tôi, kẻ nhiếc đạo? Ở Bắc Kinh đọc
Nietzsche, tôi mới biết ý thức hệ là ma tuý, và chúa gây lắc là ý thức hệ cộng
sản.
***
Nửa năm sau người ta khuyên Phan Kế An xin ra
đảng, chơ để bị đuổi như Trần Đĩnh! An cho biết khi chi bộ khai trừ An, Nguyễn
Đình Thi nói:
- Bọn xét lại là con dao đâm vào lưng Đảng khi
đang chống Mỹ.
Thi biết chúng tôi phản đối chiến tranh, thứ
hội lễ lớn Đảng mở ra cho dân tộc.
Vài tháng trước một sáng, Thi tặng tôi quyển
“Mặt trận trên cao” ghi: “Tặng Trần Đĩnh, những ngày hè nóng bỏng” rồi lầm rầm:
“Khổ Hoàng Minh Chính, giờ thì thăm thẳm”.
Ít lâu sau Tô Hoài cũng bảo tôi: “Bọn Chính
thăm thẳm nhỉ!”. Họp khai trừ An, Tô Hoài ngồi im.
… Hai nét về chuyện khai trừ Ung Văn Khiêm, Lê
Liêm. Đọc nghị quyết khai trừ Khiêm xong, Lê Văn Lương dặn: anh cải tạo tốt thì
lại trở lại với Đảng.
- Cha này, - Khiêm nói, lúc mới ở Hà Nội vào,
mình bí thư Xứ uỷ phân công cha ra Ba Son vô sản hoá. Đã thổ cải theo Mao tan
nát rồi lại bảo mình gắng Mao hoá tư tưởng lập trường!
Còn Lê Liêm? Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương,
Trần Quốc Hoàn dự cuộc khai trừ anh. Lúc anh về, Hoàn đi theo nói:
- Từ nay làm việc cho tớ nhá. Chúng nó có gì
thì báo tớ…
- Mình nhìn hắn rất lâu, - anh nói, rồi lắc
đầu: Không! Tởm quá. Mà họ đâu có cho mình dự cuộc họp họ ra kỷ luật khai trừ
mình, vi phạm luôn Điều lệ.
Đảng tạo ra hẳn một xã hội mới toanh cho loài
người bất cần loài người có bằng lòng hay không thì há còn phải theo pháp luật,
điều lệ nào nữa chứ?
***
Một đoạn nhỏ của Nghị quyết trung ương 21 khoá
3 về vụ án xét lại tôi còn nhớ: Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách tuyên truyền
xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê nin. Một số phần tử trong nước ta đã sao chép các
luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền chống lại
các chính sách của Đảng ta… Cần ghi nhận rằng bè lũ này đã tập hợp các cá nhân
bất mãn, ghen tị và đồi truỵ bên trong Đảng lập ra một “tổ chức chính trị phản
động làm tay sai cho nước ngoài”.
Đúng là một kho tổ bố toàn lưỡi Ê-dốp!
Tổ chức tay sai cho nước ngoài. Nước ngoài
nào? Mỹ? Pháp? Anh? Nhật?… Thế nào cũng phải đổ cho là tay sai nước ngoài nhưng
rêu rao tên cụ thể nào lên lại sợ. Khruschev ngại chiến tranh với Mỹ nhưng rồi
bị lật. Ngửi thấy mùi khói lửa Trung Quốc sắp cho tràn ngập Việt Nam hết sức
thơm ngon, thế là từ 1965 Brezhnev đã mau lẹ nhảy ngay vào và cuối cùng còn
viện trợ nhiều hơn cả Trung Quốc. Nhưng chúng tôi?
Chúng tôi không bao giờ thấy máu lửa ngập đất
nước là thơm là ngon! Lại xem nữa: ký hiệp ước tương trợ hữu nghị với Việt
Cộng, Liên Xô có móc đứa nào trong “đám tay sai” của nó ra không?
Có lẽ trong những người phản đối cộng sản, có
một số rất ghét xét lại chúng tôi vì là “tay sai Liên Xô”. Họ nghe Đảng nên
không hiểu là do kiên trì phản đối nội chiến, chúng tôi đã bị khép tội chống
Đảng, phản động trong bóng tối bí mật bao la của Đảng. Câu nói khá công khai
của Trần Châu, anh tôi: “Chiến tranh đau khổ thì dân nổi dậy lật đổ” đã là một
trong mấy bằng chứng quan trọng để Việt Cộng lập vụ án chống Đảng lật đổ lẫy
lừng trong đảng sử. Lúc đó với chúng tôi, đào đâu ra Human Right Watch,
ra Internet, ra Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết đòi Việt Nam tôn
trọng nhân quyền, đào đâu ra các thứ blogs ngày ngày đòi thả chúng tôi v.v…
Xin biết cho rằng chúng tôi đã bị bịt mồm hoàn
toàn. Giá giống như Nhân Văn - Giai phẩm, chúng tôi được kiểm thảo công khai ở
Thái Hà Ấp? Được thưa chuyện với dân rằng chúng ta không nên chém giết lẫn
nhau. Rằng thống nhất đất nước có thể trì hoãn được. Và có thể thống nhất hoà
bình v.v…… Giá như chúng tôi được ra toà như Cha Nguyễn Văn Lý. Thì anh Nam,
phóng viên thông tấn nước ngoài sẽ chớp được cảnh bịt mồm ít nhất ba người. Kiểu
này Hồng vệ binh gọi là văn đấu kết hợp vũ đấu. Lúc ấy đào đâu ra toà án dù là
giả dối? Lúc ấy chúng tôi là đồ chó ghẻ lạc lõng trong biển “nhân dân hăng say
đánh Mỹ”, người người xua đuổi!
Trần Dần có lần bảo tôi - trên mảnh sân bằng
cái chiếu trên tầng ba ở nhà Lê Đạt, Dần đến cố vấn cho việc nuôi hai đõ ong
Dần mới san cho Đạt: - Bọn Nhân văn chúng tao đòi tự do sáng tác, ừ, đòi tự do
tư tưởng, tự do ngôn luận…, bọn “xét lại” chúng mày lại đòi giữ mạng sống cho
bất cứ người Việt nào, dù nó có là phản động chống Cộng ở Sài Gòn đi chăng nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà đêm đầu tiên hết bom
B52, tại quảng trường 1-5 vắng lặng, Trần Dần bảo tôi: “Trần Đĩnh à, ra cái con
lừa này nó cũng không ưa nặng mày nhỉ?”
Và Văn Cao:
- Hoà bình, tao làm Mùa xuân đầu tiên là
tao vùi chôn đi cái thứ quân hành tanh tưởi máu Đảng bắt dân ta theo… Bài ấy
chính là tao nức nở nghẹn ngào, đúng, đến độ thành ra êm đềm như ánh sáng ban
mai vừa mới ló, cuộc sống run rẩy mới lên mầm. Mày ơi, mấy chục năm máu xương
liên miên liệu “người đã biết yêu người” như tao hy vọng chưa hả?
Nhưng ít người hiểu được “bè lũ xét lại” như
đám nạn nhân chính trị này.
Mà thường lại tin vào luận điệu của Đảng, sẵn
sàng coi bọn tôi “tay sai của Liên Xô” tức là cũng một mớ “uýnh chác khát máu”
thế cả thôi. Kia, Kiến Giang nom như cha cố mà là đầu mối gián điệp cắm ở Hải
Phòng để đón tàu ngầm Liên Xô vào đưa bọn xét lại đi đấy. Hay Minh Việt vào đại
sứ quán Liên Xô ở Hà Nội ăn tiệc với thủ tướng xét lại Kosygin mách cách phá
Đảng. Lúc ấy, trừ Lê Trọng Nghĩa, chúng tôi nào biết có Cục tình báo Hoa Nam đỡ
đần nên chưa ngờ có lẽ nó đã mớm cho tình báo Hà Nội biết bao tin “đặc biệt”.
Nhưng rồi chúng tôi đều phản cung, cơ sở pháp
lý cho Nguyễn Trung Thành lật án.
Riêng Phan Thế Vấn, bác sĩ nha khoa thì lại bị
buộc phải phản cung! Chuyện này đủ nói lên tính hề hài cùa tội danh “tay sai
nước ngoài”.
Năm 1968, đòi gửi thư cho Lê Duẩn khiếu nại
việc anh vô cớ bị bắt, Vấn đã được đưa về Hoả Lò gặp Hồ Chúc, cục trưởng Cục
chấp pháp. Chúc bảo anh ngồi viết đơn. Theo như thường lệ, viết tên tuổi xong,
Vấn đề tiếp: “Gián điệp của Liên Xô” thì Chúc gắt: “Sao lại gián điệp? Xoá đi”.
Vấn nói: “Ô kìa, mấy năm qua toàn bắt chúng tôi phải nhận cái tội này không thì
cột cho là ngoan cố mà lại!”. Xoá tội “gián điệp tay sai Liên Xô” xong, Vấn
viết đơn cho Lê Duẩn.
Lần này Hồ Chúc vặn:
- Không là đảng viên sao anh viết thư cho Tổng
bí thư? Rồi anh là quần chúng sao lại viết là hồi học tập Nghị quyết 9?
Vụ trưởng chấp pháp tóm dân mà không hiểu tất
cả ai ở trong cơ quan, tổ chức đều phải học cái nghị quyết lừng danh đánh Liên
Xô thờ Trung Quốc.
Đảng đổi hướng như con thò lò. Cần Trung cộng,
Đảng cộp chúng tôi vào cái rổ “tay sai Liên Xô” nộp làm thế chấp, nay cần Liên
Xô thì Đảng lẳng lặng vớt Vấn ra khỏi cái rổ tay sai gián điệp Liên Xô nhưng
vẫn giữ lũ chúng tôi làm “tay sai gián điệp” hoài.
Bù vào chỗ mất tội danh “tay sai Liên Xô”, vấn
phải nhận thêm ba năm tù nữa. Lý do: quần chúng không đảng viên mà chơi trèo,
dám đòi pháp quyền và dân chủ với Tổng bí thư.
Sau khi ra tù, Vấn được thứ trưởng Y tế Nguyễn
Văn Thủ - - bạn nghề và bạn ten-nit - cho đi làm. Người ta không chịu.
Vặn: mười năm qua anh ở đâu, lý lịch cần rõ
chỗ này.
- Tôi bị tù.
- Giấy bắt và tha tù đâu?
- Không có, bắt suông tha suông thế thôi.
- Thế thì anh thôi vào biên chế.
- Ai bảo Đảng ta quan liêu giấy tờ?
Thế mà tôi có giấy chứng nhận! Nguyên do: đầu
những năm 1980, Uỷ ban nhân dân phường mấy lần giục tôi nộp bản thành tích
chống Mỹ để lấy trợ cấp chống Mỹ. Tôi không thích nhận. Phản đối chiến tranh mà
nay lại lấy tiền công đánh Mỹ?
Tôi bèn đến nộp vụ tổ chức báo Nhân Dân một sơ
yếu lý lịch xin đóng dấu chứng nhận. Dấu liền đóng cái phắp. Tôi đưa lý lịch
cho Uỷ ban. Người ta bèn lờ tôi ngay. Phần kỷ luật trong đó đề rõ: “Trong tổ
chức chống đảng, lật đổ, thường gọi là vụ Hoàng Minh Chính”.
Sướng quá, thoát nạn lĩnh tiền.
Xem giấy này, Kiến Giang cứ nói:
- Họ ỉm vụ án, nhưng tờ chứng nhận này của
Đĩnh quá hay! Văn bản công khai duy nhất đấy!
***
Ở ngay buổi mừng chiến thắng đặc biệt tại báo
Nhân Dân mà người chủ lễ danh dự là Tổng bí thư Lê Duẩn, tôi đã trải qua một
phen điên rồ.
Sáng hôm ấy, Lê Duẩn đến báo đảng nói chuyện
đại thắng Mỹ, mượn dịp để ông với báo đảng cùng vui mừng lại vừa là cách tuyên
dương công trạng báo đảng đã trung thành với từng lời của ông trong suốt cuộc
chống Mỹ.
Toàn cơ quan có mặt, chả ai “moong” và tất cả
đều ăn mặc đẹp, đều hớn hở, đều cười nói rộn ràng và đều dồn hết cả lên mấy
hàng ghế đầu.
Vâng, để được nhìn cho tỏ vị anh hùng vừa
thắng Mỹ, thế cho nên cả một nửa trên hội trường chật kín vào nhau như sung,
còn nửa bên dưới, chừng năm sáu hàng ghế dài có lưng tựa thì vắng ngắt. Có thể
lấy cảnh này làm biểu trưng cho tình “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” được
lắm, tuy trông nó hơi học sinh trung học. Trong đám đông chen chúc sung sướng
tột cùng ấy, nổi lên chiếc cà vạt mầu đỏ ớt cay xè mắt mũi của Hữu Thọ.
Lê Duẩn nói được vài phút, mà xui quỷ khiến
làm sao, tôi bỗng từ từ đứng lên, từ từ lách ra đầu hàng, từ từ đi xuống sau
lưng hàng ghế cuối cùng rồi đứng đó, chọn cái chỗ ngay ngắn tại chính giữa hội
trường, hai tay chống lên lưng ghế, mặt thản nhiên…
Để làm gì? Thật tình tôi cũng chả rõ tại sao!
Bệnh tôi là bồng bột, bốc đồng thì còn mong gì tìm ra động cơ trực tiếp, cụ thể
nữa. Có lẽ chọn lìa khỏi số đông nồng nhiệt - xuất chúng, outstanding -
tôi muốn trình cho mọi người thấy kẻ hèn nhát phạm tội “sợ chiến tranh” kia
trước sau vẫn kiên trì
chống lại bạo lực đến cùng dù hắn đơn độc, dù
bạo lực đang vỡ trời cuồng hoan.
Vừa đứng đặt tay lên lưng ghế nhìn lên nửa hội
trường trống không đến bảy tám mét thì thấy luôn hai anh thanh niên quần kaki
vàng, sơ mi trắng đến ốp ở hai bên, ở phía sau tôi một ít. Rồi một anh thứ ba
lớn tuổi hơn, đến khép lại ở sau lưng. Tôi thấy hình thành ngay ở quanh tôi thế
trận vành móng ngựa của toà án mở ngược. Bụng liền bảo dạ: “Hố to!” và bắt đầu
bồn chồn không yên. Nhưng làm thế nào bây giờ?
Chẳng lẽ cười lấy lòng họ mà nói: “Đông quá
nên tôi hơi khó thở phải ra đứng đây?” Mà trở về chỗ cũ thì càng xoàng! Bèn
đành cứ chịu trận ở mẩu đất hoang vắng tự mình trích biếm mình đến đó, để thấy
gáy luôn nặng trình trịch như đeo một cái vạ đời. Lúc đó mới nhận ra hết nghĩa
chữ “vùng không người” và “vùng tự do bắn phá”. Nhìn lên cứ thấy mắt Lê Duẩn
nhìn thẳng vào mình. Tôi đoán thế nào ông cũng nghĩ sao lại để người đã tóc hoa
râm đi bảo vệ tôi? Cục trưởng bảo vệ an ninh Kháng tóc bạc nhưng nom có giống
tay này đâu?
Qua kiểu lập nghiêm khác tập thể một trời một
vực của tôi, ai cũng có thể kết luận rõ ràng tôi đang “đi ngược dòng thời đại”.
Và dĩ nhiên đã ngược dòng thì chẳng còn nghe thấy gì nữa, mặc dù hội trường
luôn rầm rầm vỗ tay và reo hò.
Lễ vừa tan, tôi lẻn vội ra hồ Gươm, không cùng
cả cơ quan chụp ảnh với Lê Duẩn. (Hôm sau, xem bức ảnh Lê Duẩn chụp với báo
đảng to gần hết cả trang nhất. Nhà báo tên tuổi Th. T. ngả hẳn người vào vai Lê
Duẩn, cười khoái lạc, tay ôm một quyển to tổ bố - chắc là một cụ kinh điển
Mác-xít nào anh vừa vào thư viện mượn ra làm đạo cụ diễn show - tôi cả quyết
thế vì chả lẽ đến để toàn tâm toàn ý nghe Tổng bí thư mà lại vẫn kè kè đèo theo
một khối sách nặng đến nửa ký?)
Gió mát, mặt hồ in bóng mây, tôi chợt nhận ra:
bị trừng trị vì tội phản đối chiến tranh, tôi vẫn khăng khăng theo đuổi tới
cùng nguồn cơn “tội lỗi” của tôi chứ không ùa theo đám đông mà quay mặt lại cả
với chính mình. Không, hơn thế, tôi đã cho mình nhân danh phái đối lập đơn độc
trình diện ở ngay trước mặt Tổng bí thư!
Nhưng phải nói nếu biết bỏ ra đứng một mình là
thế nào an ninh cũng ốp sát thì tôi chả ra mắt như vậy.
Bây giờ viết lại chuyện này, tôi mới thấy ra
là từ lâu trong vô thức, tôi đã cất công xây nên vững chắc khoảng xa lìa rành
rọt với phe chiến tranh, và nó, khoảng trống cách biệt như âm với dương này đã
ôm bọc tôi mà bảo vệ suốt. Và cũng có lẽ hồn ma các nạn nhân chiến tranh mà tôi
âm thầm thương cảm hồi đó đã cử tôi ra làm một luật sư câm lặng chất vấn tác
giả của “thắng lợi”: “Thắng gì? Thắng ai?”
Mà cũng có lẽ tất cả chỉ là dục lực mông lung
này thôi: “Tôi không sợ ông, dù ông là trùm bạo lực, tôi đương đầu lại đây…”.
Thôi, dù chả làm nổi trò gì thì ít ra tôi cũng nhất quán tuyên xưng mình là kẻ
chống chiến tranh.
À, còn chuyện này. Ba chục năm sau, tháng 3 -
2006, ở hội nghị báo Nhân Dân - gồm cả các Tổng biên tập đã về hưu như Hoàng
Tùng, Hồng Hà… - kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi người ta giới thiệu tôi
là “phóng viên chiến tranh”, tôi đứng lên nói rành từng tiếng:
- Tôi không chiến tranh, tôi chỉ bất khuất.
Tôi nhìn mặt các quan chức đồ sộ. Không một
phản ứng.
Sự thật của tôi được chấp nhận. Đây không phải
Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận mà là bất khuất viết thường của Trần Đĩnh. Trong
khi không ít anh em đang làm việc vỗ tay hoan hô… Tôi có thể kể tên ra.
Còn một số chị, như chị Lý y tế, thì tan họp
ra cứ thì thào:
- Ui, nghe anh nói mà sợ goá đi
à! Mọi người lấy làm vinh dự thì anh lại lắc.
No comments:
Post a Comment