Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ
Nguyễn Văn Đệ, Hiệu Trưởng ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP Chuyển Tin - Hội nghị Geneva năm 1954 giải quyết tạm
thời vấn đề ai sẽ là người thay thế người Pháp. Hội nghị tuyên bố chia Việt Nam
thành hai nước, Bắc Việt cộng sản và Nam Việt độc lập. Nhưng số phận lâu dài
của Việt Nam và của Mỹ tại Việt Nam đan quyện vào số phận của hai nhà lãnh đạo:
Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm.
Nếu hình ảnh nổi tiếng của Hồ Chí Minh là một chỉ dấu thì
ông ắt hẳn có tổ chức tuyên truyền tốt nhất thế giới phục vụ ông. Đường lối
điển hình của Hồ thường là như thế này: tuy là cộng sản nhưng quan trọng nhất
Hồ vẫn là người quốc gia.
Thật ra, Hồ Chí Minh là kẻ lừa gạt rất khéo mà suốt đời giả
vờ là con người hoàn toàn ngược lại với con người thật của mình. Ông chỉ là
người quốc gia theo nghĩa ông không thể thiết lập nhà nước cộng sản ở Việt Nam
nếu Việt Nam là một phần của đế quốc Pháp. Ông chỉ trung thành với việc đoạt
được quyền lực cho bản thân và ý thức hệ của ông.
Các lực lượng chiếm đóng hậu chiến Anh, Hoa Kỳ, và Trung Hoa
sắp rời Việt Nam, còn Pháp quay trở lại. Mặc dù các tổ chức quốc gia từ chối
hợp tác với người Pháp, nhưng Việt Minh cộng sản lại quyết định cộng tác. Hồ ký
cái gọi là hiệp định ngày 6 tháng Ba đã đưa quân đội Pháp trở lại miền Bắc Việt
Nam.
Hồ và người Pháp cùng nhau sát hại hàng trăm nhà lãnh đạo và
hàng ngàn thành viên thường của các tổ chức quốc gia. Người Pháp cấp cho Việt
Minh các thiết bị quân sự, binh lính, và yểm trợ cả pháo để thực hiện điều này.
Vào tháng Bảy 1946, những lực lượng của Hồ bất ngờ tấn công vào các trụ sở của
tất cả các tổ chức quốc gia còn sót lại trong khi các thiết vận xa Pháp cô lập
các khu vực chung quanh. Hầu hết vài nhà lãnh đạo đối lập còn sót lại đã bị bắt
và sau đấy bị giết. Khi người Pháp bất ngờ tấn công Việt Minh vào tháng Mười
Một 1946, chẳng phải ngẫu nhiên Hồ trở thành nhà lãnh đạo kháng chiến quan
trọng duy nhất. Ông đã giết hầu hết tất cả những người khác.
Ý tưởng cho rằng Hồ chí Minh chủ yếu là người Việt quốc gia
thực ra không có cơ sở. Thay vì hợp tác với những người quốc gia để giành độc
lập, ông dành cả đời người tiêu diệt tất cả những người quốc gia độc lập, cho
dù điều này có nghĩa là công khai cộng tác với thực dân Pháp. Mặc dù ông nói
hay về chủ nghĩa dân tộc, nhưng quan trọng nhất Hồ vẫn là người cộng sản toàn
trị. Ông dùng chủ nghĩa dân tộc để phục vụ chủ nghĩa cộng sản thay vì ngược
lại.
Sự chọn lựa duy nhất khác với Hồ và cộng sản là ở Miền Nam
Việt Nam. Ngô Đình Diệm đã xây dựng nên nhà nước căn bản là tự do nhưng, theo
tiêu chuẩn Mỹ, không hoàn toàn tự do. Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo hậu
thuộc địa, ông cầm quyền theo cách thức mà nhận được sự khích lệ một phần từ
các mô hình nghị viện Châu Âu, một phần từ các mô hình Châu Á truyền thống, và
một phần do hoàn cảnh bắt buộc
Khác với Hồ, Diệm là người quốc gia chân chính. Ông xuất
thân từ một gia đình quyền thế ở kinh đô Huế và nổi tiếng là người chống chủ
nghĩa thực dân Pháp mãnh liệt.
Diệm được lòng dân phần lớn nhờ những chương trình xã hội và
cải cách rộng lớn mà ông đã lập ra với sự giúp đỡ về tài chánh và kỹ thuật của
Mỹ. Trường học mọc lên khắp nơi ở miền quê. Ruộng đất được chia cho tá điền.
Phun thuốc trừ sâu để diệt sốt rét. Sản xuất gạo tăng vọt. Xây dựng nhiều cầu
đường. Đầu tư ngoại quốc gia tăng. Công nghiệp nhẹ bất ngờ xuất hiện quanh Sài
Gòn. Mặc dù các chương trình của ông thường tạo ra gánh nặng lên khả năng hành
chánh còn thiếu thốn của chính quyền nhưng kết quả của chúng mang lại lợi ích
rất lớn.
Khi hai nhà lãnh đạo này được so sánh bên cạnh nhau, ý kiến
gợi ý rằng Hồ sẽ thắng phiếu Diệm trong cuộc tranh cử trực tiếp dường như thật
nực cười. Tuy nhiên trong chiến tranh nhiều người chỉ trích nỗ lực cứu Miền Nam
Việt Nam của Mỹ lại bàn đến chính điểm này. Họ nói Tuyên bố Geneva năm 1954 về
mặt pháp lý buộc chính quyền của Diệm và Hoa Kỳ phải thống nhất hai miền Việt
Nam thông qua bầu cử và tất yếu cuối cùng Hồ sẽ thắng cử. Họ sai cả hai.
Cho dù họ nói bất kỳ điều gì chăng nữa về bầu cử, hành động
của họ vẫn phơi bày ý định của họ: họ đã thiết lập hai chính quyền, cho phép
hai lực lượng quân đội riêng, và tổ chức cho người tỵ nạn đi lại giữa hai miền.
Thật là ngu dại khi đã trải qua tất cả bao khó nhọc này vào 1954 rồi chỉ để đảo
ngược lại và xóa bỏ nó sau bầu cử vào 1956.
Dù thế nào đi nữa toàn bộ ý tưởng ấy cực kỳ không thực tế.
Thống nhất được cho là được quyết định qua cuộc bầu cử tự do. Vì bầu cử ở Bắc
Việt sẽ không tự do. Nam Việt có thể phản đối một cách chính đáng việc tổ chức
bầu cử. Bế tắc là tất yếu.
Khi đã đến lúc thảo luận bầu cử vào 1956, Diệm từ chối tham
dự, và Hoa Kỳ ủng hộ ông. Chúng ta không sợ tổ chức bầu cử ở Việt Nam, miễn là
bầu cử được tổ chức theo những điều kiện tự do thật sự như Tuyên bố Geneva yêu
cầu. Nhưng chúng ta biết rằng những điều kiện này sẽ chỉ tồn tại ở Nam Việt.
Sau khi dành hai năm nghiền nát tất cả những tàn tích của tự do ở Bắc Việt,
những nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ không bao giờ cho phép những cuộc bầu cử tự do
dưới sự giám sát quốc tế để quyết định số phận của họ. Sau những cuộc thương
nghị về sau, Liên Xô đồng ý rằng không thể thực hiện được cuộc trưng cầu dân ý.
Hồ sẽ không thể thành công trong cuộc bầu cử công bằng. Vào
1954 cứ trong 13 người Miền Bắc có một người đào thoát ra khỏi nước hơn là phải
sống dưới ách cai trị của ông. Cái gọi là chương trình cải cách ruộng đất của
ông làm kinh động cả nước, gây ra nạn thiếu hụt thực phẩm trầm trọng, và châm
ngòi cho những cuộc nổi dậy lớn của nông dân mà bắt đầu từ tỉnh quê hương của
Hồ rồi lan ra ít nhất hai tỉnh khác. Tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy lực
lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ, về sau thừa nhận rằng để dẹp tan cuộc nổi dậy
ấy chính quyền ông đã giết 50,000 người. Đến 1956, Hồ hầu như không phải là
người đứng đầu danh sách ứng cử viên.
Diệm, lúc ấy rất được lòng dân, sẽ thắng chắc chắn. Chỉ có
một lý do duy nhất tại sao những nhà lãnh đạo Bắc Việt không bao giờ dám tổ
chức những cuộc bầu cử tự do thật sự: Họ biết họ sẽ thua.
Thật là phi lý về pháp lý, xuẩn ngốc về chiến lược, nực cười
về đạo lý nếu Hoa Kỳ buộc Nam Việt tổ chức bầu cử mà gian lận trắng trợn để bảo
đảm cộng sản chiến thắng.
Hồ không bao giờ dao động trong quyết tâm thống nhất hoàn
toàn Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Không bao giờ có vấn đề ông sẽ cố gắng
chiếm Nam Việt hay không, mà chỉ có vấn đề ông sẽ cố thực hiện điều ấy vào khi
nào và bằng phương tiện gì.
Theo những tài liệu bị tịch thu và theo những lời khai của
những người cộng sản cấp cao đã đào thoát, quyết định chiếm Nam Việt của Bắc
Việt có liền ngay sau Hội nghị Geneva. Hồ chờ một vài năm trước khi bắt đầu tấn
công. Ông cần củng cố quyền lực ở Bắc Việt trước, và ông tiên liệu chính quyền
của Diệm sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn ngay sau khi phân chia đất nước để rồi
tự sụp đổ.
Nhưng ông bắt đầu chuẩn bị tấn công Miền Nam trước khi chữ
ký của các đại biểu của ông còn chưa ráo mực trên hiệp định ngừng bắn ở Geneva.
Ông đã cam kết ngưng gia tăng quân số của quân đội ông, nhưng trong vòng bốn
tháng lực lượng Bắc Việt mở rộng từ bảy sư đoàn đến hai mươi sư đoàn. Trong khi
đó, Nam Việt cho giải ngũ 20.000 quân. Vào tháng Năm 1959 tại đại hội mở rộng
lần thứ mười lăm, Đảng cộng sản Bắc Việt ra lệnh bắt đầu tấn công.
Đến tháng Chín, cuộc xâm nhập trên diện rộng của các du kích
cộng sản vào Nam Việt bắt đầu, tổng cộng lên đến 4.000 người chưa đến hai năm.
Hầu hết những binh lính này là người Miền Nam đã tập kết ra Bắc vào 1954. Nhưng
lý lịch của tác giả cuộc xâm nhập này rất rõ ràng. Như Tướng Giáp tuyên bố vào
tháng Một 1960, “Miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn cho quân đội chúng ta.”
Với Miền Bắc phục vụ như là tuyến sau, thì tuyến đầu của mặt trận ở đâu khác
ngoài trong Nam?
Nếu chiến tranh thường bắt đầu trong đầu của con người thì
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu trong đầu Hồ Chí Minh. Suốt trong 30 năm, ông đã
tàn bạo theo đuổi mục tiêu thống nhất Việt Nam dưới chế độ cai trị toàn trị của
ông. Giấc mơ bất tử của ông là cơn ác mộng bất tận đối với hàng triệu người
Việt. Ông tưởng người Pháp giao Việt Nam cho ông qua hiệp định ngày 6 tháng Ba
1946. Ông tưởng Liên Xô và Trung Cộng giao Việt Nam cho ông trên bàn hội nghị ở
Geneva vào 1954. Ông tưởng Nam Việt rơi vào tay ông sau một thời gian tạm gián
đoạn ngắn ngủi dưới quyền Tổng thống Diệm. Ông có lẽ còn hy vọng thắng Nam Việt
qua cuộc bầu cử thống nhất mà có thể là sự gian lận rành rành.
Vào 1959, sau khi tất cả những mơ tưởng này không thành, Hà
Nội bắt đầu gây chiến tranh.
Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ
Nguyễn Văn Đệ, Hiệu Trưởng ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP Chuyển Tin
Nguồn:
Báo The Lewiston Daily Sun số ra ngày 1 tháng Tư 1985. Tựa
đề của người dịch. Tựa đề trong nguyên tác: “Ho Chi Minh’s Goal: Rule All
Vietnam.”
No comments:
Post a Comment